Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá phân bón chập chờn!
03 | 02 | 2009
Mới vào đầu vụ sản xuất nhưng giá phân bón đã tăng nhẹ. Theo các nhà nhập khẩu phân bón, do trục trặc trong việc cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu qua ngả Ukraina nên giá urê và SA trên thế giới đã có mức tăng nhanh từ 265 - 270 USD/T lên 330 - 340 USD/T, giá SA tăng từ 120 USD lên 150 USD/T nhưng khan hàng (giá CIF TP.HCM). Tuy giá nhập khẩu tăng nhưng giá bán lẻ vẫn chưa biến động quá lớn. Tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) giá urê đang bán ra với giá 6.400 đ/kg, tăng 150 đ/kg so với trước đó. Các loại phân khác như kali, DAP không có biến động đáng kể nào.

Giá NPK trong nước vẫn chưa có mặt bằng ổn định vì nhiều đại lý đã trữ hàng với giá cao trước đó. Giá tại NM Hiệp Phước (Cty Phân bón miền Nam) loại NPK 16.16.8 là 7.400 đ/kg. Hiệp Phước cũng là nhà máy sản xuất lại sớm nhất trong các nhà máy sản xuất phân bón, từ mùng 4 Tết, do nhận được nhiều đơn hàng. Ông Nguyễn Tấn Đạt, GĐ Cty cho biết, với giá đang cung ứng thì không có lợi nhuận nhưng để duy trì việc làm cho công nhân. Hiện chưa có cơ sở nào để khẳng định giá phân bón sắp tới sẽ lên hoặc xuống như thế nào. Ông Vũ Duy Hải, GĐ Cty CP Vinacam cho rằng cần ít nhất 1 tuần nữa để đưa ra dự báo, tuy nhiên do việc khan hàng Trung Quốc (TQ tăng thuế từ 75% lên 110% từ 1/2/2009) nên giá urê sẽ khó xuống mức 265 USD/T như trước đây 3 tuần.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Phân bón VN, mức tăng này chỉ nhích lên chút ít so với mức giảm mạnh hồi cuối năm 2008 và các DN vẫn đang rất khó khăn. Ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón VN cho biết, mức tăng gần đây chỉ 60 - 65 USD/tấn urê, DAP, kali không tăng. Mức tăng nhẹ này không đáng kể. Nguyên nhân do nhiều quốc gia bắt đầu vào vụ SX nông nghiệp. Thông thường vào vụ hè thu, giá phân bón thế giới và trong nước có tăng nhưng năm nay không thể tăng mạnh được.

Bởi, đầu quý III/2008 giá phân bón tăng đột biến. Giá phân urê tăng tới 830 USD/tấn, tăng hơn 200%. DAP lên 1.150 USD/tấn, tăng 350%, đặc biệt có loại phân tăng tới hơn 10 lần... Việc tăng giá này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà SX trong nước. Đến cuối năm 2008 thì giá nguyên liệu lại giảm đột ngột. Urê thời điểm chạm đáy, xuống còn 205 - 215 USD/tấn, DAP còn 375 - 390 USD/tấn. Nguyên liệu giảm xuống khiến các DN nhập khẩu về không kịp xoay xở. Mua nguyên liệu giá cao, đẩy giá thành SX trong nước lên cao. DN không bán được phân do vụ hè thu, giá lúa hạ, nông dân không bán được lúa nên không có tiền mua phân. Giá càng giảm nông dân càng chờ đợi, không mua phân mà chờ giảm tiếp. Không như các vụ trước nông dân mua từ đầu vụ mùa. Vụ đông thì miền Trung bị ngập úng, SX bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dẫn tới phân bón giá rẻ cũng không có đầu ra.

Cuối năm 2008, nếu DN nào không đủ lưng vốn thì rất khó khăn do nhập nguyên liệu giá cao, bán hàng giá thấp. Hiện nay mức giá urê trên thị trường thế giới ở mức hơn 300 USD/tấn, tương đương giá bán lẻ trong nước dưới 6.500 đồng/kg. Việc nhập khẩu hiện nay khá thuận lợi do mức giá đã “mềm” hơn mọi năm khá nhiều. Nguồn vốn các DN có thể tiếp cận được nhưng lãi suất vẫn cao. Điều cần kíp của các DN lúc này là lãi suất phải tiếp tục hạ xuống để DN có thể hạ giá thành sản phẩm. - Bà Nguyễn Thị Tiêu, GĐ Cty CP XNK Hà Anh

Thêm một khó khăn của các DN là giá than đá lại dự kiến tăng. Theo quyết định mới đây của Bộ Tài chính thì giá than đá sẽ tăng hơn 96%. Việc tăng này không khác gì thêm gánh nặng đè lên vai các DN SXKD phân bón. Trong lúc suy thoái, tất cả các nguyên liệu đều hạ thì ngành Than lại tính chuyện tăng giá. Đây là một nghịch lý. Hiệp hội Phân bón đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Chính phủ đã đồng ý cho giảm giá than xuống. Mức tăng than đá và than cục chỉ ở mức 20 - 25%. Đây là “đơn thuốc” kịp thời cứu chữa các nhà SX trong nước.

Ngoài ra, việc tiếp cận vốn của các DN vẫn rất khó khăn. Thực tế, các DN SXKD phân bón hầu hết phải vay vốn ngân hàng. Nhưng năm ngoái, khi giá phân bón tăng mạnh và chuẩn bị cho vụ ĐX nên các DN trong nước đã dồn hết vốn để mua hàng vào. Tài sản thế chấp của nhiều DN hiện đã nằm hết ở các ngân hàng. Mặc dù lãi suất hiện đã hạ nhưng khả năng tiếp cận của DN vẫn là con số không, do hàng hóa tiêu thụ chậm không thể đẩy mạnh SXKD, tài sản thế chấp thì không còn.

Hiệp hội Phân bón đề nghị Chính phủ cho giãn nợ vay cũ trong cả năm 2009, hỗ trợ lãi suất trong thời gian giãn nợ. Cho vay mới với lãi suất ưu đãi để DN có khả năng hạ giá thành sản phẩm. Giảm thuế VAT đối với kinh doanh phân bón, bởi thuế này đánh vào nông dân (người mua chịu sau khi xuất hóa đơn) chứ không phải đánh vào nhà SX. Việc giảm thuế thu nhập DN hiện nay hiệu quả không lớn, vì các DN nhỏ và vừa SX đang đình trệ, nên “làm gì có lãi mà hưởng chính sách này” - ông Thúy nói.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường