Bốc xếp gạo lên tàu xuất khẩu.
Động thái trên nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia xuất khẩu gạo trong ASEAN và toàn thế giới, tạo điều kiện cho các nước có thể đưa ra mức giá phù hợp với chi phí sản xuất, nguồn cung và nhu cầu gạo. Liên doanh không chỉ tập trung vào quản lý nguồn gạo dự trữ mà còn giải quyết vấn đề liên quan đến sự giảm giá gạo trên các thị trường trong và ngoài khu vực.
Nguồn tin của Bộ Thương mại Thái Lan còn cho biết các cuộc thương thảo thành công (giữa quan chức Thái Lan và Bộ trưởng Thương mại Việt Nam trong chuyến thăm xứ "chùa vàng" sắp tới) sẽ khích lệ các nước ASEAN khác ký bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực buôn bán gạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN, dự kiến diễn ra tại Hua Hin cuối tháng này.
Các nước xuất khẩu gạo cần phải có hệ thống quản lý tốt về các mặt như nguồn gạo dự trữ, quỹ hỗ trợ, kế hoạch tiếp thị và quảng bá thương hiệu. Thái Lan sẵn sàng đầu tư vào kết cấu hạ tầng cơ bản như mở rộng các nhà máy xay xát, hệ thống kho chứa thóc gạo.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu Thái Lan Chookiat Ophaswongse cho biết đó sẽ là sự hợp tác hiệu quả nếu điều này giúp giải quyết được vấn đề giảm giá gạo trong các nước xuất khẩu gạo chủ chốt. Việc kiểm soát được giá gạo và khối lượng xuất khẩu thông qua sự hợp tác kể trên sẽ có lợi cho các nước.
Thái Lan và Việt Nam là hai quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, hiện chiếm tới 70% tổng lượng gạo thương mại trên toàn cầu.