Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhân giống cá trong sách đỏ để xuất khẩu
06 | 02 | 2009
Vài năm trở lại đây, các nhà khoa học ở ĐBSCL đã cố gắng nghiên cứu lai tạo thành công giống cá hô quý hiếm và hiện đang được áp dụng nuôi thử nghiệm công nghiệp khá thành công.


Cá hô là loài cá lớn nhất thuộc họ cá chép có tên khoa học là Catlocarpio siamensis, sống nước ngọt ở nhiều lưu vực sông Mêkông. Từ nhiều thập niên trước, việc săn bắt cá hô diễn ra ở nhiều nơi nên loài cá này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và Ủy ban sông Mêkông đã đưa loài cá hô ở Việt Nam vào sách Đỏ.


Thế nhưng vài năm trở lại đây, các nhà khoa học ở ĐBSCL đã cố gắng nghiên cứu lai tạo thành công giống cá hô quý hiếm và hiện đang được áp dụng nuôi thử nghiệm công nghiệp khá thành công.


Gần mười năm trở lại đây, thông tin về thợ săn bắt được cá hô hầu như rất hiếm, chỉ có một hai trường hợp. Chính việc săn bắt diễn ra nhiều ở những thập niên trước nên loài cá hô vốn là đặc sản quý hiếm trở nên cạn kiệt, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Đây là nỗi lo của các nhà khoa học thủy sản.


Trước thực trạng trên, các chuyên gia ở Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cố gắng nghiên cứu và lai tạo để bảo tồn loài cá này. Hành trình bảo vệ loài cá hô khỏi sự tuyệt chủng khá cam go với nhiều công đoạn phức tạp: Sưu tầm, nghiên cứu, lai tạo, thuần chủng…


Thạc sỹ Thi Thanh Vinh (một trong những kiến trúc sư của chương trình phục hồi, bảo tồn nguồn gen cá hô) cho biết, các anh em trong nhóm chia nhau rong ruổi khắp miệt thượng nguồn vùng lũ để tìm các thợ săn, nông dân, thương lái, cán bộ nông nghiệp sở tại… và thuyết phục những người bắt được cá hô bán cho mình đem về nghiên cứu.


Từ những năm 2003 - 2005, trung tâm cố gắng chăm sóc và thuần dưỡng nuôi giữ 40 con cá hô bố mẹ trưởng thành, cho lai tạo thành công thế hệ cá hô F1 sau 3 năm đeo đuổi bền bỉ. Theo Thạc sĩ Vinh, con cá hô 5-6 tuổi mới trưởng thành và nặng bình quân 10kg. Trong môi trường nuôi tự nhiên, cá hô có thể đạt đến trọng lượng 200kg.


Sau khi lai tạo thành công giống cá hô, các chuyên gia đã cho "ra lò" nguồn cá hô quý hiếm đầu tiên, thả về môi trường tự nhiên ở vùng đầu nguồn sông Hậu (thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang) và gửi nuôi thí điểm khoảng 10.000 con cá hô bột tại Đồng Nai. Thạc sĩ Vinh nói trong niềm vui phấn khởi: "Chúng tôi đang chờ kết quả thả nuôi, nếu cá phát triển tốt trong môi trường nuôi sẽ đem lại lợi ích kinh tế cao. Chúng tôi sẽ nhân giống và cung cấp để phát triển nuôi đại trà trong dân".


Theo tính toán, nếu nuôi theo mô hình công nghiệp và đúng quy trình, mỗi năm cá hô tăng trọng từ 2,5 - 3kg. Thịt cá hô trên thị trường có giá từ 180.000 đến 200.000 đồng/kg.


Từ việc lai tạo thành công trên, Công ty cổ phần Nông ngư quốc tế IFACO (An Giang) đã mạnh dạn làm cầu nối giữa Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ với một số nông dân tâm huyết với con cá hô tìm mua nguồn cá giống, bắt đầu thí điểm mô hình nuôi cá hô công nghiệp.


Người đầu tiên thí điểm mô hình nuôi cá hô công nghiệp là anh Lê Thành Nam (ấp Bình Thủy, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú). Anh Nam mua 5.000 con cá hô giống thương phẩm loại 20 con/kg với giá 15.000 đồng/con trên diện tích ao nuôi cá tra 10.000m2. Đến nay, sau 3 tháng nuôi thử nghiệm, 5.000 con giống đã phát triển khá tốt, trọng lượng trung bình 300g/con.


Anh Nam cho biết: "Do đặc tính cá hô dễ nuôi, ít bệnh tật, thường ăn các loại phiêu sinh vật, cá ở tầng nước sâu nên mình tận dụng tầng trên nuôi kết hợp cá tra thương phẩm. Với cách làm ấy, mình vừa tận dụng nguồn thức ăn thả nuôi cá tra, vừa cung cấp lượng thức ăn cần thiết từ phân, thức ăn thừa của cá tra cho cá hô. Bên cạnh đó, mình còn tận dụng được đặc tính sống tầng sâu của cá hô để làm sạch nguồn nước và đáy ao nuôi. Nói chung, đến thời điểm hiện tại, mọi vấn đề liên quan đến việc nuôi cá hô theo mô hình công nghiệp đang có chiều hướng rất khả quan".


Cùng với hộ anh Nam, hiện Công ty cổ phần Nông ngư quốc tế IFACO còn thí điểm song song mô hình nuôi cá hô công nghiệp xen cá rô phi và nuôi trên bè ở hai hộ ông Thái Văn Hưởng và ông Lê Chí Bình ở xã Mỹ Khánh (TP Long Xuyên) với số lượng 500 con/hộ, mật độ 5m2/con cũng đang phát triển rất tốt.


Từ loài cá quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng giờ đây đã được các nhà khoa học lai tạo bảo tồn thành công. Điều đáng nói, việc nuôi cá hô công nghiệp bước đầu đã thành công sẽ mở ra một bước ngoặt mới trong ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam, đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho các hộ nuôi trồng thủy sản từ con cá hô trong nay mai



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường