Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lại đau đầu về quỹ đất
06 | 02 | 2009
Bộ NNPTNT vừa có Đề án an ninh lương thực (ANLT) quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 trình Chính phủ phê duyệt. Hàng loạt các mục tiêu đầy tham vọng được đặt ra, song theo khẳng định của Cục Trồng trọt, quỹ đất là vấn đề mấu chốt quyết định đến sự sống còn của vấn đề ANLT nước ta trong những năm tới.

Quỹ đất liên tục giảm

Số liệu mới nhất của Bộ NNPTNT cho thấy, từ cuối năm 2001 đến nay, quỹ đất nông nghiệp liên tục sụt giảm khoảng gần 210 nghìn hécta (từ hơn 4,3 triệu hécta xuống còn 4,13 triệu hécta).

Riêng 8 tháng đầu năm 2008, bà con nông dân ĐBSCL đã tích cực mở rộng diện tích trồng lúa, nên diện tích gieo trồng lúa tăng đột biến lên hơn 7,2 triệu hécta. Đề án của bộ xếp quỹ đất vào một trong những thách thức của vấn đề ANLT trong những năm tới, do nhu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngày càng cao.

Theo tính toán sơ bộ, trong 5 năm gần đây, mỗi năm diện tích canh tác lúa nước giảm khoảng 4,1 triệu hécta để phục vụ các mục đích phi nông nghiệp và chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản, cây trồng nông nghiệp khác.

Theo đó, để phục vụ cho mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, nhu cầu đất cho phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ và đô thị hoá rất lớn. Giai đoạn 2009 - 2020, ước tính sơ bộ cần khoảng 600 nghìn hécta, trong đó đất lúa được sử dụng tối thiểu 270 nghìn hécta, đến năm 2020 tăng lên 400 - 500 nghìn hécta, trong đó đất lúa khoảng 55 nghìn hécta.

Đó là chưa tính đến một số diện tích đất lúa vùng trũng, ven đô và ven biển nhiễm mặn được chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản, cây trồng vật nuôi khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Diện tích này được ước tính chiếm khoảng 180 - 200 nghìn hécta đến năm 2020.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho biết: "Quỹ đất nông nghiệp ngày càng giảm là vấn đề sống còn của ANLT. Không thể chủ quan khi nông dân đang tiếp tục bán đất do nhu cầu kinh tế và tác động bên ngoài. Mục tiêu lớn nhất của đề án là bảo vệ ổn định quỹ đất lúa hiện có ở Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL".

Giải pháp: Bằng giống lúa

Đề án của bộ thể hiện quyết liệt ở mục tiêu giữ đất lúa tại hai vùng trọng điểm nói trên theo từng giai đoạn. Cụ thể: Diện tích canh tác lúa cần duy trì đến năm 2010 là 4 triệu hécta, năm 2015 là 3,8 triệu hécta, giữ ổn định lâu dài từ sau năm 2020 là 3,5 triệu hécta, trong đó đất chuyên lúa nước là 3,1 triệu hécta. Sản lượng thóc theo đó dự kiến tương ứng là 38 triệu tấn; 39,7 triệu tấn; 41 triệu tấn và 45 triệu tấn.

Lý giải cho nghịch lý quỹ đất giảm, năng suất tăng, ông Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, giống và công nghệ sinh học đóng vai trò quyết định. Bộ cũng tiến hành các chương trình phát triển giống theo từng giai đoạn song song với đề án trên, song theo ông Ngọc, thế mạnh của VN là xuất khẩu gạo chất lượng trung bình chứ không phải chất lượng cao như một số nước khác. Chính vì vậy, cần có sự cân đối cơ cấu giống linh hoạt theo từng vùng, miền để vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, vừa đảm bảo nhu cầu nội địa.

Hiện khu vực ĐBSCL đang chuyển một bộ phận giống lúa chất lượng trung bình sang giống lúa chất lượng cao để đáp ứng một bộ phận thị trường trong nước. Riêng vụ đông xuân 2009, tỉ trọng giống lúa chất lượng thấp, năng suất cao tại đây đã được khống chế không vượt quá 15% tỉ lệ ở các địa phương.

"Nếu trong quý I và quý II tới, xuất khẩu gạo đạt 3 triệu tấn trở lên thì mục tiêu xuất khẩu 5 triệu tấn gạo trong năm 2009 là rất khả quan. Hầu hết các DN đều ký hợp đồng vào đầu năm, nên vụ lúa đông xuân phải là chủ lực của xuất khẩu và dự trữ" - ông Nguyễn Trí Ngọc cho biết.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường