Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kích cầu và… vấn đề còn lại
07 | 02 | 2009
Các giải pháp thực hiện chương trình của Chính phủ về kích cầu đầu tư và tiêu dùng đã vào guồng chuyển động.

Những cơ hội, khả năng và khó khăn đang đón đợi. Các doanh nghiệp nào sẽ tận dụng được cơ hội và vượt qua khó khăn ?

Giải pháp lãi suất ngân hàng

Quyết định của Chính phủ bù 4% lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp đã bắt đầu được thực hiện. Hàng loạt giải pháp khác cũng đang được Chính phủ chỉ đạo để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, thực hiện chương trình chống suy giảm kinh tế. Đó là Ngân hàng phát triển bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp, là giảm lãi suất cơ bản để tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, là giảm và giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp v.v.. Với lãi suất cơ bản hiện nay theo quy định của Ngân hàng nhà nước là 7%/năm và trên cơ sở quy định của Luật Dân sự là lãi suất thương mại chỉ được phép tối đa gấp 150% lãi suất cơ bản thì lãi suất trần của các ngân hàng thương mại hiện nay là 10,5%/năm. Với chính sách Chính phủ hỗ trợ lãi suất 4% thì các doanh nghiệp khi vay vốn đã có thể được hưởng lãi suất ở mức từ 6,5%/năm trở xuống. Bên cạnh đó còn có các giải pháp giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế và các giải pháp khác nữa.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và ngay đánh giá của chính các doanh nghiệp thì mức lãi suất dưới 6,5%/năm này là khả quan đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong điều kiện chung của nền kinh tế hiện nay thì đây là giải pháp hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, góp phần quan trọng ngăn chặn suy giảm kinh tế. Theo tính toán, tổng gói tài chính để hỗ trợ 4% lãi suất cho doanh nghiệp vào khoảng 17.000 tỷ đồng. Với số tiền hỗ trợ này thì cả nước có gần một nửa số khoản vay ngân hàng sẽ được bù lãi suất trong 8 tháng cho các khoản vay trong khoảng thời gian từ ngày 1-2-2009 đến hết ngày 31-12-2009. Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ những ngành không được bù lãi suất. Thủ tướng cũng chỉ đạo các ngân hàng không được từ chối bù lãi suất cho các doanh nghiệp trong diện được hưởng chính sách này. Như vậy yếu tố quan trọng nhất đối với hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là nguồn vốn và lãi suất hợp lý đã được giải quyết. Tuy nhiên, vốn và lãi suất mới chỉ là điều kiện cần thiết mà chưa đủ.

Doanh nghiệp

Thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã bị đối tác nước ngoài giảm hoặc huỷ đơn hàng, như các doanh nghiệp thuỷ sản, doanh nghiệp dệt may, giày da. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1-2009 chỉ đạt mức 3,8 tỷ USD giảm 18% so với tháng 12-2008 do lượng hàng giảm và giá xuất khẩu cũng giảm. Đáng chú ý đó lại là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực lâu nay và xu hướng này được dự báo là sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Ở trong nước hàng loạt doanh nghiệp đã và đang phải giãn thời gian làm việc và giảm thu nhập của công nhân. Nhiều doanh nghiệp từng dự định cố gắng không cắt giảm lao động nhưng xem ra mục tiêu này khó thực hiện được. Chỉ riêng các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản ở khu vực ĐBSCL ngay trong đầu năm nay sẽ phải giảm từ 20%-45% số lao động. Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết có một tỷ lệ khá lớn – ít nhất là hơn một nửa số các doanh nghiệp đang gặp khó. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, cả nước có gần 350 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng thực chất chỉ hơn 200 nghìn doanh nghiệp có hoạt động và nộp thuế. Tương tự - theo số liệu của ngành thuế thì các doanh nghiệp vẫn nộp ngân sách khá đầy đủ. Thế nhưng thật ra các doanh nghiệp này cho dù có lỗ vốn hay sắp phá sản đi nữa thì vẫn phải nộp thuế theo nghĩa vụ nếu không sẽ phạm vào tội trốn thuế. Tuy vậy, khá nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ những khó khăn chung của nền kinh tế mà không phải doanh nghiệp thua lỗ, phá sản nào cũng là do yếu kém.

Đầu tư và tiêu dùng

Trong điều kiện khó khăn chung như vậy, làm sao để đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làm ra. Hiện tại nhiều doanh nghiệp vẫn đang tồn một lượng hàng khá lớn trong kho – đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không trả được nợ ngân hàng vào cuối năm ngoái nên không được ngân hàng tiếp tục cho vay vốn thời gian vừa rồi. Nhưng vốn bây giờ đã không còn là trở ngại nữa. Doanh nghiệp cần phải tìm được thị trường phù hợp cho các sản phẩm đang còn trong kho của mình và quan trọng hơn nữa là tìm thị trường cho các sản phẩm sắp có. Nếu không có thị trường tiêu thụ thì việc cứ vay vốn đầu tư cứ sản xuất ra sản phẩm chỉ làm phức tạp thêm những khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với thị trường suy thoái như hiện nay và dự báo sẽ còn tiếp tục, việc đẩy mạnh xuất khẩu không phải dễ. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu truyền thống đang giảm nhu cầu nhập khẩu còn thị trường mới cũng khó mà mở trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.

Mặc dù vậy, trong khó khăn, hàng loạt giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, đó là cắt giảm thuế đối với nhiều loại hàng hoá xuất khẩu như gỗ và sản phẩm gỗ từ gỗ nhập khẩu, bỏ thuế xuất khẩu gạo, phân bón, quặng đồng thô, quặng apatit và một vài loại khác. Đáng lưu ý là cho dù kinh tế thế giới có suy thoái đến đâu thì nhu cầu về các sản phẩm thiết yếu của đời sống như lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng vẫn luôn luôn cần thiết, ở bất cứ thị trường nào.

Thời cơ và triển vọng

Một thông tin đang thu hút giới doanh nghiệp hiện nay là hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại vừa được Bộ Công Thương phê duyệt và công bố. Các chương trình này tập trung hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực và các mặt hàng có tiềm năng, thông qua tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm ở nước ngoài, các đợt khảo sát, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Kinh phí xúc tiến thương mại cũng sẽ được dùng để hỗ trợ mời các đoàn DN nước ngoài về Việt Nam để tìm hiểu và hợp tác với doanh nghiệp trong nước, nâng cao năng lực các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương. Theo lời phân tích của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp thuộc nhóm và ngành hàng khác nhau cần có những giải pháp phù hợp khác nhau. Ví dụ, với các doanh nghiệp dệt may – một trong những ngành đang gặp khá nhiều khó khăn và khả năng cắt giảm lao động khá lớn, thì nên chia sẻ các hợp đồng cùng nhau, khi ra ngoài tìm kiếm đơn đặt hàng cũng nên tổ chức nhóm để cùng giành được hợp đồng và mang về cùng thực hiện.

Cùng đó, thị trường nội địa với khoảng 86 triệu dân cần được khai thác hiệu quả. Chương trình người Việt dùng hàng Việt do Bộ Công Thương đang chủ trì cũng là một vấn đề được bàn đến nhiều. Rõ ràng đây là chương trình mang ý nghĩa lớn trong việc góp phần thực hiện chống suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, để người Việt dùng hàng Việt thì trước hết phải đảm bảo chất lượng hàng hoá và giá cả hợp lý. Cách đây chưa lâu, khi các sản phẩm thuỷ sản gặp khó ở thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đã mở chiến dịch trở lại thị trường nội địa và đã rất thành công. Gần đây các doanh nghiệp dệt may cũng thành công với các sản phẩm may mặc bằng một chương trình tương tự với hàng loạt cửa hàng bán lẻ được mở ra và hiện tại sự thành công này đang tiếp tục được duy trì và phát triển.

Từ tháng 2 -2009, hàng nghìn loại sản phẩm, dịch vụ đã được giảm và hoãn nộp thuế. Thuế GTGT được giảm từ 10% xuống còn 5% là một yếu tố mạnh thúc đẩy kích cầu thị trường, bởi các doanh nghiệp sẽ hạ giá bán sản phẩm theo mức được giảm thuế để tiêu thụ hàng – kể cả hàng tiêu dùng và vật tư thiết bị sản xuất. Tiền mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp của người nông dân sẽ được giảm đi tương ứng số thuế được giảm, còn doanh nghiệp thì bán được hàng. Giảm một nửa thuế GTGT đối với ngành vận tải sẽ giúp giảm giá vận tải đường thuỷ mỗi chuyến hàng 500 tấn bớt đi gần 1,2 triệu đồng. Đó chính là hiệu quả rõ nhất của giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng.



Nguồn: VOVNEWS
Báo cáo phân tích thị trường