Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kim ngạch nhập khẩu năm 2009 sẽ giảm và các giải pháp kiềm chế nhập siêu năm 2009
10 | 02 | 2009
Do giá thế giới giảm mạnh, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước đã dần thay thế được hàng nhập khẩu, tiêu thụ trong nước chậm nên dự báo kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của cả nước trong năm 2009 sẽ giảm khoảng 5% so với năm 2008, xuống còn 76 tỉ USD (tương đương mức bình quân 6,33 tỉ USD mỗi tháng). Hiện nay, giá nhập khẩu xăng chỉ vào khoảng 350 USD/T, chỉ bằng 40% so với giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này trong năm 2008; giá nhập khẩu dầu DO là 420 USD/T, bằng 45%, giá nhập khẩu phôi thép là 400 USD/T, bằng 60%, thép thành phẩm là 630 USD/T, bằng 74%, phân bón urea là 310 USD/T, bằng 77%, phân bón DAP là 480 USD/T, bằng 54%, bột giấy là 600 USD/T, bằng 85%…

Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu khiến giá hàng hoá, vật tư, máy móc, thiết bị giảm mạnh. Vì vậy, các doanh nghiệp ở trong nước sẽ tranh thủ cơ hội này để gia tăng lượng hàng nhập về với giá rẻ. Điều này sẽ khiến khối lượng nhập khẩu ở một số mặt hàng tăng cao, nhất là ở nhóm hàng máy móc, thiết bị.

Nhập khẩu một số mặt hàng từ thị trường Trung Quốc năm 2009 có thể sẽ giảm do chính sách hạn chế xuất khẩu hàng hoá của Chính phủ nước này, nhất là ở các mặt hàng là nguyên liệu thô hoặc tiêu tốn nhiều năng lượng.

Các giải pháp kiềm chế nhập siêu năm 2009:

A/ Giải pháp ngắn hạn:

Tiếp tục thực hiện các giải pháp hạn chế nhập khẩu đã triển khai trong năm 2008 như sau:

Kiểm soát việc tiếp cận ngoại tệ theo 3 nhóm hàng: nhóm cần nhập khẩu, nhóm cần kiểm soát và nhóm hạn chế nhập khẩu.

Quản lý nhập khẩu bằng giấy phép tự động để kiểm soát nhập khẩu đối với các mặt hàng tiêu dùng. Mở rộng danh mục mặt hàng nhập khẩu phải nộp thuế ngay trước khi thông quan đối với một số mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu.

Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu và sử dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu: rà soát, ban hành các quy định chặt chẽ về hoá chất, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến trong bảo quản hàng thực phẩm…

Tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, cân đối cung cầu các mặt hàng cơ bản của nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt quan tâm việc nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo xu hướng giá cả và thị trường thế giới trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, qua đó đề xuất những giải pháp bình ổn thị trường, cân đối cung cầu hiệu quả.

Tiếp tục quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu vàng. Trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng hạn ngạch nhập khẩu để khống chế mức nhập khẩu bằng của năm 2008 sau khi đã trừ đi phần tái xuất (khoảng 700 triệu USD).

B/ Các giải pháp trung và dài hạn:

a. Phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thay thế hàng nhập khẩu.

Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển xuất khẩu, giảm nhập khẩu bằng việc đẩy mạnh sản xuất hàng trong nước, các loại nguyên liêu, các mặt hàng phụ trợ cho sản xuất tiêu dùng, sản xuất hàng xuất khẩu thay thế hàng nhập khẩu cũng là một biện pháp quan trọng hạn chế nhập siêu.

Các tập đoàn, các Tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa các dự án đầu tư về điện, phân bón, thép, cơ khí, dệt may vào sản xuất nhằm thay thế các mặt hàng nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu.

Triển khai mạnh và tích cực đầu tư vào sản xuất trong ngành công nghiệp phụ trợ. Một số ngành ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới là: cơ khí, dệt may, da giày, điện tử.

Rà soát lại các cơ sở sản xuất các ngành phụ trợ tại công ty nhà nước, ưu tiên cấp vốn và tạo điều kiện khác để đổi mới thiết bị, thay đổi công nghệ tại những cơ sở đã có quy mô tương đối lớn. Lập chế độ tư vấn kỹ thuật và quản lý để mời các chuyên gia nước ngoài vào giúp thay đổi công nghệ và cơ chế quản lý tại các doanh nghiệp.

Đặc biệt khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các ngành công nghiệp phụ trợ, với sự hỗ trợ đặc biệt về vốn, và những ưu đãi đặc biệt về thuế (miễn thuế nhập khẩu thiết bị và công nghệ, miễn thuế doanh thu…)

Một số nước đã phát triển, đặc biệt nhất là Nhật, có chương trình xúc tiến chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các nước đang phát triển. Việt nam nên tiếp nhận nhanh sự hỗ trợ này để nhanh chóng tăng khả năng cung cấp các mặt hàng công nghiệp phụ trợ hiện có, nhất là các mặt hàng đang sản xuất tại các doanh nghiệp nhà nước.

Kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào việc sản xuất trong các ngành công nghiệp phụ trợ.

b. Thúc đẩy để sớm ký kết các Hiệp định song phương và đa phương thiết lập các khu vực mậu dịch tự do để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, qua đó giảm nhập siêu (Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản, Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Autralia-New zeland, và ASEAN – Ấn Độ). Trao đổi với các đối tác thương mại mà Việt Nam nhập siêu (trước hết là Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc…) để phối hợp tìm giải pháp giảm nhập vào Việt Nam và tăng xuất từ Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với các quy tắc của WTO, theo đó khuyến khích việc các thành viên có quyền yêu cầu cân bằng thương mại lẫn nhau.

c. Nghiên cứu xây dựng các biện pháp và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với các ngành, sản phẩm công nghiệp nhằm bảo vệ sản phẩm trong nước khỏi sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường trong nước, phù hợp với các quy định của WTO và các Hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết. Hoàn thiện hoặc ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường nói chung cũng như đối với hàng hoá nhập khẩu, trước mắt là đối với những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, tiêu dùng, sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Chủ động rà soát những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh do việc cắt giảm thuế quan theo cam kết WTO và AFTA mà trong nước có khả năng sản xuất để có biện pháp hạn chế nhập khẩu và khuyến khích sản xuất trong nước.

d. Chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong tiêu dùng và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân và doanh nghiệp sử dụng hàng Việt Nam và tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất và tiêu dùng.



Nguồn: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường