Năm 2008 tổng lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan là 10 triệu tấn. Năm nay, nước này chỉ đề ra mục tiêu 8,5 đến 9 triệu tấn, nhưng Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan vẫn lo ngại khó đạt được, nếu tốc độ giao hàng vẫn tiếp tục rơi theo chiều thẳng đứng như trong 2 tháng đầu năm nay.
Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch Hiệp hội nói: "Sản lượng xuất khẩu của tháng 1/2009 rất thấp và tình hình diễn ra tương tự trong tháng 2 khiến chúng tôi lo ngại sẽ không hoàn thành kế hoạch”.
Ông Chookiat Ophaswongse cho biết nếu muốn đạt mục tiêu, Thái Lan sẽ phải giao trung bình 708.333 tấn mỗi tháng. Trong khi đó, sản lượng tháng 1/2009 giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 630.000 tấn.
Việc suy giảm có nguyên nhân chính là xu hướng giảm chung của nhu cầu thế giới. Ngoài ra, giá gạo của Thái khá cao do trước đó Chính phủ Thái đã can thiệp vào thị trường lúa gạo trong nước.
Giá gạo trắng 100% loại B của Thái có giá 590 USD mỗi tấn, cao hơn 180 USD so với một tấn gạo cùng loại của Việt Nam. Do đó, sản lượng xuất khẩu loại gạo này trong tháng 1 giảm còn 200.000 tấn, trong khi con số cùng kỳ năm ngoái là 400.000 tấn. Tuy tăng trưởng trong xuất khẩu gạo đồ và gạo cao cấp bù lại tổn thất nhưng ông Chookiat vẫn bi quan cho rằng xuất khẩu gạo tháng 2/2009 sẽ chỉ đạt 600.000 tấn.
"Xuất khẩu gạo của Thái còn gặp nhiều áp lực nhất là vào nửa cuối năm nay, khi Ấn Độ thi hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati", ông Chookiat nói. Ấn Độ, một trong những nước sản xuất gạo lớn, đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo để kiểm soát giá lương thực trong nước.
Năm ngoái, Ấn Độ chỉ xuất 2,9 triệu tấn gạo, ít hơn nhiều so với con số 5, 6 triệu tấn những năm trước đó. Theo ông Chookiat, giá gạo đồ của Ấn Độ rẻ hơn tới 200 USD mỗi tấn so với gạo Thái Lan.
Nhu cầu gạo tại các nước châu Á đã giảm mạnh trong năm nay. Philippines, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, cho biết trong năm 2009 họ sẽ chỉ nhập 1,5 triệu tấn, thay vì 2,3 triệu tấn như trong năm 2008.
Ông Chookiat cho biết: “Các nước châu Á như Philippines đã có dấu hiệu cho thấy họ sẽ mua ít gạo hơn trong năm nay. Mà nếu có mua, họ cũng sẽ chỉ mua loại gạo rẻ hơn của Việt Nam”.
Theo phán đoán của Chookiat, Việt Nam, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, có thể đạt sản lượng xuất khẩu hơn 5 triệu tấn, nhiều hơn so với 4,72 triệu tấn của năm 2008.