- Thưa ông, liệu chúng ta có đạt được những chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm là sẽ xuất khẩu 4,8triệu tấn gạo trong năm 2009?
- Ông Nguyễn Trí Ngọc: Năm 2008, chúng tôi đã bị phê bình là dự báo kém về thị trường lúa gạo. Do đó, ngay từ đầu năm 2009, chúng tôi đã rút kinh nghiệm khi nắm bắt được những tín hiệu lạc quan từ thị trường xuất khẩu gạo và triển khai ngay chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu gạo từ đầu năm để tránh tình trạng tồn kho.
Mục tiêu mà Bộ NN-PTNT đặt ra trong 6 tháng đầu năm 2009 là xuất khẩu hơn 3 triệu tấn gạo để đạt chỉ tiêu xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo cả năm 2009.
- Ông Trương Thanh Phong: Trong khi mặt hàng nông sản còn gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu thì riêng lúa gạo hiện nay lại đang mở ra những tín hiệu rất lạc quan.
Hiện tại, mặc dù mới là tháng 2-2009 nhưng các doanh nghiệp của chúng ta đã ký hợp đồng xuất khẩu được 3,1 triệu tấn gạo và sẽ giao 100% trong 6 tháng đầu năm. Từ nay đến cuối tháng 2-2009, sẽ ký thêm 3 - 4 hợp đồng nữa. Do đó, trong 6 tháng đầu năm, có thể xuất khẩu đạt 3,5 triệu tấn gạo và trong 6 tháng cuối năm, sẽ dễ dàng đạt được chỉ tiêu xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo.
Trong tháng 1-2009, chúng ta đã giao được 310.000 tấn gạo. Đây là mức gạo xuất khẩu kỷ lục trong vòng 20 năm qua.
- Liệu chúng ta có đảm bảo đủ sản lượng lúa gạo xuất khẩu khi mà vấn đề an ninh lương thực luôn được đặt ra?
- Ông Nguyễn Trí Ngọc: Năm nay, vụ đông xuân trên cả nước tương đối thuận lợi và ở khu vực ĐBSCL chắc chắn sẽ được mùa, đảm bảo đạt sản lượng khoảng 5 triệu tấn ngay trong tháng 2, trong đó tiêu dùng khoảng 1,5 - 1,8 triệu tấn, còn lại dành để xuất khẩu.
Để có gạo xuất khẩu, trước hết phải căn cứ vào nguồn cung, tức là hoạt động sản xuất lúa hàng hóa của nông dân. Năm nay, diện tích gieo trồng lúa trong cả năm đạt khoảng 7,2 triệu ha, sản lượng ước đạt 37,5 triệu tấn trở lên, như vậy đủ đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Trong đó, sẽ dành ra khoảng 10 triệu tấn lúa hàng hóa, tương đương 5 triệu tấn gạo để xuất khẩu.
- Giá gạo xuất khẩu và giá thu mua của nông dân hiện nay ra sao?
- Ông Trương Thanh Phong: Hiện giá gạo xuất khẩu đang tăng lên. Gạo 5% tấm đã tăng từ 5-20 USD/tấn. Cụ thể, giá gạo 5% tấm hiện có giá từ 420-500 USD/tấn, gạo 25% tấm từ 370-400 USD/tấn. Giá gạo bình quân trong tháng 2-2009 sẽ là 410 USD/tấn.
- Ông Nguyễn Trí Ngọc: Do giá xuất khẩu gạo thuận lợi nên giá thu mua lúa của nông dân đều tăng. Theo Viện Lúa ĐBSCL, hiện giá lúa thường tại khu vực dao động từ 3.800-4.300đ/kg, cao hơn thời điểm giữa năm 2008 từ 700-1.000đ/kg.
Lúa chất lượng cao giá phổ biến 6.500đ/kg, lúa thơm lên tới hơn 8.000đ/kg, cao hơn năm 2008 từ 2.000đ đến 2.500đ/kg. Do các chi phí đều giảm, giá thành trồng lúa chỉ còn là 1.700-2.000đ/kg nên bà con nông dân bắt đầu có lãi.
- Năm 2008, chúng ta đã rút ra bài học về chuyện “dừng xuất khẩu” mà nguyên nhân chính là do khâu dự báo yếu kém. Năm nay, việc dự báo sẽ ra sao?
- Ông Nguyễn Trí Ngọc: Tôi nghĩ công tác dự báo của chúng ta còn nhiều khó khăn. Sản xuất lương thực chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết, thiên tai, lũ lụt. Do đó, để đưa ra được những dự báo và định hướng trong xuất khẩu, đòi hỏi phải dự báo thời tiết chuẩn. Bộ NN-PTNT cũng đã giao Cục Trồng trọt khảo sát và dự báo tình hình sản xuất lương thực.
Ông Trương Thanh Phong: Tôi tin tưởng nhu cầu gạo 6 tháng cuối năm vẫn tốt
Mặc dù 6 tháng đầu năm đang được dự báo là có rất nhiều thuận lợi nhưng tình hình 6 tháng cuối năm 2009 lại chưa thể dự báo chính xác được do có cả hai tình huống có thể xảy ra. Chẳng hạn, tình hình thời tiết hiện đang diễn biến phức tạp, ở Australia thì đang cháy rừng rất nặng nề, ảnh hưởng tới cây trồng, còn Trung Quốc thì lại đang bị hạn hán gây thiệt hại cho nông sản, đặc biệt là việc gieo trồng lúa mì.
Nếu trong 6 tháng cuối năm, Trung Quốc tăng thu mua lúa gạo thì giá gạo sẽ lên cao. Ngược lại, nếu Trung Quốc không tăng thu mua và trong trường hợp Ấn Độ cho xuất khẩu lúa gạo bình thường trở lại thì chắc chắn sẽ khó khăn cho tình hình xuất khẩu gạo của chúng ta. Tuy nhiên, tôi tin tưởng nhu cầu gạo 6 tháng cuối năm vẫn tốt, dù năm nay là tâm của khủng hoảng kinh tế nhưng nhu cầu lương thực không ảnh hưởng.