Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân ngoại thành lại khốn đốn vì rau quá rẻ
19 | 02 | 2009
Chưa kịp phục hồi vốn liếng sau đợt ngập úng lịch sử cuối tháng 10, đầu tháng 11-2008, thì trong những ngày này, hàng nghìn hộ dân trồng rau ở ngoại thành Hà Nội lại khóc dở, mếu dở vì giá rau quá rẻ, cho không được, bán không xong.

Tạ rau không mua nổi cân thịt

Chuyện tưởng như đùa, nhưng lại là thực tế đang diễn ra trong những ngày gần đây ở Hà Nội. Dù ở nội thành, hay ngoại thành, từ chợ đầu mối, cho đến chợ bán lẻ đều cùng chung một thực trạng bi đát là rau bán rẻ như… bèo, nhưng vẫn không có người mua.

Sáng 17-2, thay vào sự ồn ào, náo nhiệt bởi kẻ bán, người mua như trước đây, một không khí trầm lắng bao trùm toàn bộ khu chợ nông sản Hà Hồi (Thường Tín). Dù cố giấu, nhưng trên gương mặt của không ít chủ ki-ốt buôn bán rau, quả tại đây vẫn lộ rõ vẻ mệt mỏi, chán chường. Ông Cầm, một chủ ki-ốt bán rau ở chợ chỉ vào đống su hào của nhà mình, thở dài ngao ngán: “Chỗ su hào này nõn nà là thế, vậy mà từ 2 giờ sáng đến nay chẳng ai thèm hỏi đến một câu. Mà người ta có hỏi, thì giỏi lắm cũng chỉ trả giá được 1-2 trăm đồng/củ. Đúng là rẻ như bèo, chả bõ công xếp lên xe!”.

Chả riêng gì cửa hàng của ông Cầm, cả một đoạn dài hàng chục mét trên con đường chính dẫn vào chợ, su hào, bắp cải xếp đống để đấy, chả ai buồn ngó ngàng. Qua tìm hiểu, tình trạng ế ẩm này đã xảy ra từ hơn một tuần nay. Trên thực tế, các loại rau xanh nói chung, su hào, bắp cải nói riêng muốn bán được thì phải thật tươi và non nhưng giá lại rẻ như cho.

Có lẽ vì giá rau quá rẻ, không bõ công thu hoạch, nên nhiều hộ nông dân ở ngoại thành Hà Nội, hoặc là nhổ bỏ để chuyển sang trồng lại rau màu khác, hoặc là cứ bỏ vậy chẳng thèm đoái hoài gì đến. Ông Ngô Xuân Hải, ở đội 7, xã Hà Hồi (Thường Tín) cho biết, hiện gia đình ông còn cả 1,5 sào su hào, với gần 3.000 củ đã đến ngày thu hoạch, nhưng vì giá quá rẻ nên chẳng buồn nhổ đi bán. Theo ông, ở thời điểm này, giá bán buôn tối đa một củ su hào còn non cũng chỉ được khoảng 2 trăm đồng. Trong khi đó phải thức khuya, dậy sớm để nhổ, rồi gồng gồng, gánh gánh lên chợ từ 2-3 giờ sáng để bán cho lái buôn. Ở địa phương ông còn có chợ đầu mối, nên gia đình ông, cũng như nhiều gia đình khác tại Hà Hồi đã bớt đi được rất nhiều công vận chuyển so với các hộ trồng rau khác trong huyện. Mặc dù vậy, nhưng do giá rau quá rẻ không bõ công thu hoạch nên không ít gia đình ở đây vẫn “tặc lưỡi” bỏ đấy.

Khác với ông Xuân, bà Nguyễn Thị Khanh cũng ở đội 7 xã Hà Hồi, thì vẫn cặm cụi nhổ cỏ cho ruộng bắp cải nhà mình, với hy vọng ít bữa nữa giá rau sẽ đắt lên. Bà Khanh bộc bạch: “Gần 1 sào bắp cải này đã được 2 tháng tuổi, khoảng 20 ngày nữa là được thu hoạch. Mong rằng lúc đó đã là cuối vụ, thị trường sẽ han hiếm bắp cải, giá sẽ tăng lên. Chứ như hiện nay, giá 1 kg bắp cải đổ buôn tối đa cũng chỉ được 3-4 trăm đồng, thì gần 1.000 gốc bắp cải này của gia đình tôi không mua nổi vài cân thịt lợn thăn!”.

Mặc dù giá rau rẻ như cho, nhưng nhiều nông dân ở ngoại thành vì tiếc công, tiếc sức vẫn cắn răng chịu khổ, ngày thì quần quật trên đồng thu hoạch rau, củ, sáng sớm hôm sau lại kèo kẽo đạp xe thồ cả tạ rau vượt hàng chục cây số để vào các chợ nội thành, hoặc các vùng quê lân cận để bán. Song, vì trên là trời, dưới là rau, “vạn người bán mới có trăm người mua” nên không phải ai cũng may mắn để bán hết được số rau mình chở đi. Với nhiều người tỏ ra vui mừng, thở phào nhẹ nhõm khi bán hết hàng, cho dù cả tạ rau mà không mua nổi một cân thịt lợn, bởi còn hơn nhiều “đồng nghiệp” khác phải chở rau về, hoặc đổ đi.

Chấp nhận quy luật cung-cầu?

Bà Nguyễn Thị Nhung ở Thạch Cầu, phường Long Biên (Quận Long Biên), một người đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề trồng rau, không khỏi ngậm ngùi, chua xót: “Chưa bao giờ rau lại rẻ và ế ẩm như hiện nay. Với kinh nghiệm trong nghề, gia đình tôi và nhiều gia đình ở vùng bãi sông Hồng này đều đã nhận định: sau ngập úng thể nào cũng dư thừa các loại rau ăn lá ngắn ngày, do đó chúng tôi tập trung vào trồng các loại rau dài ngày, như bắp cải, su hào…; bình quân mỗi gia đình có khoảng 2-3 sào đất đều trồng rau dài ngày. Vậy mà thật không ngờ, các loại rau này vẫn dư thừa quá nhiều, nên đành cắn răng chấp nhận, coi như thất bát, mất mùa”.

Qua tìm hiểu cho thấy, trong nhiều năm qua, các hộ dân chuyên thâm canh rau màu đều nhận định và nắm bắt khá chắc về nhu cầu tiêu thụ rau của thị trường Hà Nội sau Tết. Bởi vậy, họ rất chủ động trong việc cân nhắc nên trồng loại rau gì và vào thời điểm nào để có được giá đắt nhất. Trên thực tế các năm trước, hầu hết các hộ dân chuyên canh rau màu ở khu vực ngoại thành Hà Nội (cũ), các huyện Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh đều có được những vụ rau bội thu sau Tết, nhất là đối với loại rau su hào, bắp cải. Tuy nhiên, năm nay, nhất là thời điểm này đa phần đều thất bại vì cung vượt quá cầu.

Trao đổi với nhiều người dân trồng rau của Hà Nội, họ đều có chung một nhận xét là sau trận ngập úng vừa qua, rau được trồng đại trà, diện tích trồng các loại cây khác cũng được đưa vào tận dụng để trồng rau ngắn ngày. Điều đó dẫn đến tình trạng dư thừa quá nhiều rau xanh, không có thị trường tiêu thụ.

Trong vòng chưa đầy 4 tháng trở lại đây, thị trường Hà Nội đã từng nhiều lần khủng hoảng thừa về rau xanh, nhưng đó là các loại rau ngắn ngày, còn lần này là khủng hoảng thừa cả các loại rau dài ngày như bắp cải, su hào. Qua tìm hiểu, một trong những nguyên nhân các loại rau dài ngày này vẫn xảy ra dư thừa là do tâm lý “găm hàng” chờ được giá mới bán.

Trên thực tế, với những loại rau dài ngày như su hào, cải bắp…, người nông dân phải bỏ ra chi phí về giống, phân đạm và công sức chăm bón lớn hơn nhiều lần so với các loại rau ăn lá ngắn ngày khác. Bình quân một sào cải bắp, su hào người nông dân phải đầu tư khoảng 6-7 trăm nghìn đồng, và phải bỏ công sức chăm bón từ 2-3 tháng mới được thu hoạch. Hầu hết những người trồng rau đều cho biết, với giá rẻ như cho hiện nay, không chỉ họ không có công mà còn lỗ vốn.

Dạo qua một vòng các chợ trên địa bàn Hà Nội trong những ngày này, thật xót xa khi phải chứng kiến cảnh người nông dân “một nắng, hai sương” vất vả trên đồng ruộng mà bán cả tạ rau không mua nổi cân thịt, hoặc vài bát phở. Càng xót xa hơn khi ế ẩm không có ai mua, họ đành ngậm ngùi đổ đi, biến rau thành rác thải. Phải chăng họ đã và đang chấp nhận quy luật cung-cầu của thị trường? Không hiểu vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng đến đâu trong đợt khủng hoảng thừa rau này?



Nguồn: Hànộimới Online
Báo cáo phân tích thị trường