Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hậu WTO: Nông dân không thể... tự bơi
30 | 06 | 2007
Cạnh tranh trên "sân chơi" WTO, nông nghiệp ĐBSCL phải đối đầu không chỉ trên thị trường ngoài nước như lâu nay, mà còn ngay tại thị trường nội địa. Hàng nông sản, thực phẩm có lợi thế về chất lượng của nước ngoài nhập vào, cùng với tác động của sức cạnh tranh về giá từ lộ trình cắt giảm thuế xuất - nhập khẩu...
Ông Đào Công Tiến - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM - đã nhận định như vậy.

Chất lượng đang đứng sau!

Trước thực tế đó, tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ (kể cả xuất khẩu) nông sản ở ĐBSCL (và cả nước) vẫn kém sức cạnh tranh; mà hạn chế nổi cộm là yếu tố chất lượng.

Ông Phạm Ngọc Liễu (Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam) cho biết: ĐBSCL có trên 273.000ha trồng cây ăn quả nhưng lại đang bộc lộ nhiều hạn chế: Quy mô nông hộ nhỏ, trồng nhiều chủng loại; công tác giống còn nhiều bất cập; việc xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp (ở lĩnh vực này) chậm và còn ít; việc sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn chưa được chú trọng...

Gần đây, một minh chứng cho thấy sự thua sút về chất lượng của trái cây nước ta so với các nước: Nhiều khách hàng... chê trái cây VN, ngay cả với thị trường... không khó tính như Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc từ 140 triệu USD (năm 2001) đã sụt còn 20 triệu USD (năm 2005).

Ngoài yếu tố chất lượng, vấn đề thương hiệu cũng gần như còn bỏ ngỏ. Kết quả điều tra 173 DN ngành nông nghiệp cho thấy: Chỉ có 36 DN đăng ký thương hiệu trong nước, 5 DN đăng ký thương hiệu ở nước ngoài.

Ông Lê Hoàng Minh (Phó Chủ tịch Hội Nông dân VN) nhấn mạnh: 90% hàng nông sản VN xuất khẩu phải mang thương hiệu nước khác, gây tổn thất không nhỏ!

Gạo tuy 8 tháng đầu năm nay đã xuất được 3,3 triệu tấn, nhưng chủ yếu vẫn là thị trường Châu Phi, Châu Á và Trung Đông. Gần như chất lượng gạo VN chưa chen chân được vào các thị trường khó tính. Sản phẩm thuỷ sản (cá da trơn, tôm) liên tục phải đối mặt với các rào cản; trong khi quy trình thực hành nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa phát triển...

Nông dân không thể... tự bơi

Không phải ngẫu nhiên khi nhiều ý kiến nhấn mạnh việc tạo nguồn nhân lực có trình độ khoa học ở nông thôn. Ông Tình Thâm (Viện Nghiên cứu xã hội TPHCM) cho rằng: Hiện đại hoá nông thôn không chỉ là hiện đại hoá hạ tầng sản xuất, đầu tư kỹ thuật - công nghệ..., mà trước hết là hiện đại hoá người nông dân.

Còn theo Th.S Phan Văn Điền (Trường Cán bộ TPHCM): PGS - TS Nguyễn Văn Bá (Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học) từng day dứt khi chứng kiến cảnh nông dân lạm dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh trong nuôi trồng...

Đi vào vấn đề cụ thể, PGS - TS Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) nêu lên hàng loạt vấn đề đáng quan tâm đối với sản xuất lúa ở ĐBSCL như: Biện pháp hạ giá thành; đẩy mạnh cơ giới hoá; cải tiến hệ thống thu mua và nhấn mạnh "rất cần có những nghiên cứu và hành động tạo uy tín của sản phẩm (gạo) VN trên thị trường thế giới..".

Ông Phạm Ngọc Liễu (Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam) cũng nêu ra nhiều vấn đề cần tháo gỡ đối với sự phát triển, nâng cao chất lượng cây ăn quả ở ĐBSCL: Xác định cây chủ lực có lợi thế cạnh tranh; liên kết giữa các địa phương để quản lý chất lượng cây giống, sản xuất và tiêu thụ trái cây an toàn; xây dựng thương hiệu...

"Làm gì để giúp nông dân hội nhập có hiệu quả?", TS Hồ Bá Thâm (Viện Nghiên cứu xã hội TPHCM) cho rằng: "Nông dân phải tự lực, nhưng không để cho họ tự bơi, mà phải có cộng đồng và Nhà nước hỗ trợ...".



Theo Lê Như Giang, Báo Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường