Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nếu chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nhà nước sẽ đứng ra chi trả thay tiền lương còn nợ công nhân.
25 | 02 | 2009
Nếu chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nhà nước sẽ đứng ra chi trả thay tiền lương còn nợ công nhân.

Ngày 23-2, Thủ tướng đã ký Quyết định 30 về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Nhà nước sẽ cho doanh nghiệp vay để trả lương, đóng tiền bảo hiểm xã hội... cho người lao động bị mất việc nếu doanh nghiệp đã quá “yếu”.

Lãi suất vay là 0%

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Lao động-Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cho biết theo Quyết định 30, trong năm nay, doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động sẽ được nhà nước cho vay để thanh toán. Để được vay, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế nên phải giảm số lao động hiện có từ 30% trở lên hoặc từ 100 lao động trở lên (không kể lao động thời vụ có thời hạn dưới ba tháng).

- Sau khi đã sử dụng các nguồn vốn của doanh nghiệp mà vẫn chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho số lao động đã giảm.

Mức vay tối đa bằng số kinh phí để thanh toán tiền nợ lương, đóng bảo hiểm xã hội, trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc phải trả cho người lao động bị mất việc làm. Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ đứng ra cho vay trong thời hạn tối đa là 12 tháng với lãi suất 0%.

Chủ doanh nghiệp bỏ trốn: Nhà nước trả nợ thay

Người lao động bị mất việc làm tại các doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp bỏ trốn trong năm 2009 cũng được nhà nước hỗ trợ. UBND cấp tỉnh sẽ ứng ngân sách địa phương trả cho người lao động khoản tiền lương mà doanh nghiệp còn nợ người lao động. Khoản này sẽ được trả lại ngân sách sau khi xử lý tài sản còn lại của doanh nghiệp. Trường hợp nguồn xử lý tài sản không đủ thì báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Người lao động bị mất việc làm trong năm 2009 (kể cả người lao động làm việc ở nước ngoài bị mất việc làm do doanh nghiệp gặp khó khăn, phải về nước trước thời hạn) sẽ được vay vốn ưu đãi. Họ có thể vay từ quỹ quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm; vay vốn để học nghề theo Quyết định 157 năm 2005 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên trong thời gian tối đa 12 tháng hoặc vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội.

Trong năm 2009, người lao động bị mất việc được vay vốn ưu đãi để học nghề hoặc tự tạo việc làm. Ảnh minh họa: HTD

Dự kiến hôm nay có thông tư hướng dẫn

Chiều qua (24-2), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Hải Yến, Phó Trưởng phòng Dự toán, Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), cho biết Bộ Tài chính cùng Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn tất thông tư để triển khai ngay Quyết định 30. Tinh thần là trong hôm nay (25-2), những hướng dẫn cụ thể như để được vay doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện gì, thủ tục hồ sơ vay vốn thế nào, điều kiện xét duyệt ra sao... sẽ được ban hành.

Về quy trình vay, bà Yến cho biết dự kiến doanh nghiệp sẽ phải lập phương án sắp xếp lao động, báo cáo khả năng tài chính của mình. Doanh nghiệp đó phải chứng minh được là mình không thể trả lương cho người lao động sau khi đã cho họ nghỉ việc dù đã huy động tất cả nguồn lực. Sau đó, hồ sơ vay vốn sẽ được gửi sang Sở LĐ-TB&XH và Sở Tài chính địa phương để thẩm định. Hồ sơ hợp lệ sẽ được chuyển sang để Ngân hàng Phát triển Việt Nam giải ngân ngay.

Bà Yến cho biết rất khó dự toán số vốn cụ thể bao nhiêu để hỗ trợ cho người lao động cũng như doanh nghiệp thuộc chính sách này. Có bao nhiêu người học nghề, bao nhiêu người đi xuất khẩu lao động bị trả về trước thời hạn cũng rất khó đưa ra dự báo. Bộ LĐ-TB&XH ước tính số người thất nghiệp năm nay khoảng nửa triệu. Tất nhiên ngân sách sẽ đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho những đối tượng mà Quyết định 30 nêu.

Chiều nay, Bộ LĐ-TB&XH họp báo công bố quyết định này của Thủ tướng và những nội dung triển khai chính sách hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm.

“Trong thông tư sẽ quy định chế tài đối với các trường hợp gian lận trong việc sử dụng vốn vay hỗ trợ không đúng mục đích. Cạnh đó sẽ đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi, công khai cho người lao động về chính sách này để họ hiểu quyền lợi của mình được hưởng nếu bị thất nghiệp. Nếu họ thực sự bị mất việc vì doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế thì họ cứ đến doanh nghiệp yêu cầu được trả lương, trợ cấp, không cần biết là tiền đó được lấy từ vốn tự có của doanh nghiệp hay đi vay theo quyết định này. Mục tiêu của chính sách là phải đảm bảo quyền lợi của người lao động” - bà Yến nói.



Nguồn: www.phapluattp.vn
Báo cáo phân tích thị trường