Đây không phải là lần đầu tiên việc tiêu thụ rau, hoa quả miền Bắc lâm vào tình cảnh bi đát. Ngành trồng trọt có phương án gì?
Được mùa, chỉ thêm lo
Dọc quốc lộ 2 - tuyến đường đi Hà Giang những ngày trước Tết, du khách "hỉ hả" khi chỉ với 1.000 - 3.000đ là có thể mua được cân cam tươi rói, mọng nước. Hàng trăm hàng cam tươi bày bán dày đặc dọc đường đi, nhiều ê hề đến nỗi trả giá 500đ/kg, người dân cũng chặc lưỡi bán luôn. Hiện tại, giá cam Hà Giang được bán tại Hà Nội khoảng 6.000đ/kg.
Một khách hàng mua cam trên đường Thái Hà tấm tắc: "Cam rất ngọt, tươi, lại rẻ nên hôm nào tôi cũng mua vài cân vắt nước uống". Người tiêu dùng hỉ hả, song họ đâu biết rằng bà con nông dân đang cầm lòng khi phải chặt đi hàng chục gốc cam. Cam Hà Giang không phải là ngoại lệ, khi thực trạng này từng rơi vào vựa vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), nhãn lồng Hưng Yên, cam xã Đoài (Nghệ An)...
Điệp khúc "được mùa mất giá" cũng đang đúng với tình cảnh bà con trồng rau ngoại thành Hà Nội. Về điều này, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) Nguyễn Trí Ngọc cho biết: "Sau lũ, bà con trồng hoa ồ ạt kéo sang trồng rau, do chạy theo thị trường nên rau thừa, bán không được là điều dễ hiểu. Đây chỉ là một nhóm nông hộ nhỏ và diện tích rau là không đáng kể. Vấn đề là các địa phương phải làm tốt việc quy hoạch thì mới bình ổn được tiêu thụ".
Lý giải cho vấn đề hoa quả "khủng hoảng thừa", ông Phan Huy Thông - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - đồng tình: "Ngành nông nghiệp các tỉnh đều đã có quy hoạch chung, song thực tế, việc "xé" quy hoạch, trồng theo phong trào gây hậu quả nhãn tiền là nông sản thừa".
Cơ cấu lại diện tích và giống
Miền Bắc chiếm 40% diện tích và sản lượng cây ăn quả cả nước, cơ cấu cây trồng đa dạng, nhưng thời gian thu hoạch tập trung nên khó bảo quản, tiêu thụ. Để "cứu" nông dân, theo ông Đoàn Xuân Hòa - Cục Chế biến nông - lâm - thủy sản và nghề muối, bên cạnh việc điều chỉnh cơ cấu, sản lượng cây ăn quả phù hợp với nhu cầu thị trường, cần chú trọng giống cho năng suất, chất lượng cao nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Tình trạng mất cân đối cơ cấu diện tích cây ăn quả đáng lo ngại, khi chỉ riêng nhãn chiếm 45% diện tích, vải chiếm 80%...
Hiện có tới 90% hoa quả, sau thu hoạch phải tiêu thụ bằng hình thức bán hoa quả tươi. Lượng hoa quả chế biến chiếm chưa đầy 10%, khâu bảo quản thất thoát về số lượng và chất lượng đến 15-20%. Hiện khoảng 8 nhà máy chế biến tại miền Bắc chỉ đạt 30% công suất do nguồn hàng không ổn định. Khâu bảo quản kém khiến hoa quả phải bán tống, bán tháo, bị tư thương ép bán với giá rẻ, chưa kể sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, hao hụt sau thu hoạch...
Trước tình trạng trên, theo ông Phan Huy Thông, trợ giúp thiết thực cho việc trồng cây ăn quả là phải điều chỉnh lại cơ cấu và diện tích. Riêng vựa vải thiều Bắc Giang - quy hoạch từ nay đến 2010 chỉ giữ lại 35.000 hécta, chuyển đổi 5.000 hécta. Việc lựa chọn một - hai cây ăn quả chủ lực, thay vì cào bằng nhiều loại cây trồng cũng được chọn làm giải pháp, nhằm tránh tình trạng đổ xô trồng cây ăn quả theo phong trào.
Đối với rau, theo ông Trần Khắc Thi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả - nhận định, cần sớm giúp nông dân có nhiều lựa chọn trong giống rau, nhằm cân đối cơ cấu giống rau và thị trường, tránh tình trạng khủng hoảng thừa như hiện nay.