Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam tự tin, năm nay lượng gạo Việt Nam xuất khẩu có thể đạt mức 5 triệu tấn. Nhưng thị trường 6 tháng cuối năm vẫn là ẩn số.
Cơ hội và quan ngại
Tháng đầu của năm 2009 cũng là tháng Việt Nam xuất khẩu gạo đạt kỉ lục cao nhất từ năm 1989 đến nay. Tính đến ngày 9/2, Việt Nam đã xuất khẩu được 74.000 tấn gạo, giá bình quân đạt 401 đô-la Mỹ, bình quân cả tháng có thể đạt 410 đô-la Mỹ. Hiện tại các hợp đồng mà doanh nghiệp Việt Nam đã ký được lên tới 3,1 triệu tấn và có thể đạt mức 3,5 triệu tấn với thời gian giao trong 6 tháng đầu năm.
Không chỉ được về sản lượng, giá gạo xuất khẩu hiện cũng đang được xem là có lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua lúa hàng hóa trong dân. So với tháng 1 năm 2008, mức giá xuất khẩu của gạo Việt Nam đang tăng.
Trong tuần cuối tháng 1/2009, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 20 đô-la Mỹ so với tháng trước. Trong đó, có những doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu với giá rất hấp dẫn như gạo 5% tấm giá 500 đô-la Mỹ/tấn, gạo 25% tấm giá 400 đô-la/tấn (giá FOB).
Mức giá này cũng giúp cho giá thu mua lúa trong dân tăng. Hiện, giá mua lúa tại đồng đã là mức 3.600-3.900 đồng/kg, còn lúa khô mua tại kho của các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu là khoảng 4.200-4.500đ/kg.
Giá mua lúa ngoài đồng này cũng được xem là giúp nông dân lãi 50% nên từ chỗ dân mong chờ bán được lúa thì nay đang xuất hiện tình trạng phơi lúa cất đi chờ giá lên nữa.
Tuy vậy, mối quan ngại nhất của gạo Việt Nam xuất khẩu hiện nay chính là khả năng bốc xếp, giao hàng cho các hợp đồng đã ký trong 6 tháng đầu năm. Ông Phong cho hay, với số lượng gạo đã ký được hợp đồng xuất khẩu thì từ tháng 2 phải xuất 600.000 tấn/tháng.
Nhưng con số này có khả năng vượt qua năng lực bốc xếp, vận chuyển hiện nay bởi gạo từ các tỉnh miền Tây Nam bộ phải lên TP.HCM mới xuất khẩu được. Khu vực Cần Thơ chưa đón được tàu lớn vào nhập hàng. Đó là chưa kể mùa mưa vào tháng 5, tháng 6 sẽ khiến cho tiến độ giao hàng có thể bị ảnh hưởng. “ Với thực tế này, lo nhất là sốt giá cước và khâu vận tải trong nước ”, ông Phong bày tỏ.
Vì vậy, Hiệp hội cũng đang nghiên cứu cách điều hành để hàng không dồn toa, doanh nghiệp xuất khẩu gạo không bị ép giá cước. “ Chúng tôi sẽ thông báo chi tiết cho các doanh nghiệp lượng hàng xuất hàng tháng của Hiệp hội để doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch xuất hàng của mình, tránh tình trạng bị ép giá cước ”, ông Phong cho hay.
Ưu thế về giá chưa đủ xóa đi nỗi lo
Việc ký được các hợp đồng xuất khẩu với số lượng lớn trong 6 tháng của năm nay, nhiều hơn hẳn các năm trước cũng được các chuyên gia cho rằng có yếu tố giá gạo của Việt Nam rẻ hơn so với gạo Thái Lan. “ Nhiều nước đang mua gạo của Thái Lan chuyển sang mua gạo của Việt Nam do giá rẻ hơn nên khủng hoảng kinh tế cũng là cơ hội cho gạo Việt Nam ”, ông Phong nhận xét.
Hiện tại, thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam vẫn là Philippine, Malaysia và Cu - Ba. Sản lượng gạo xuất khẩu sang các thị trường này cũng chiếm 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Một số thị trường thương mại khác cũng được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tập trung khai thác là Indonesia, Irac và mới nhất đây là châu Phi. Tuy nhiên, ngay cả trên thị trường tập trung hay thị trường thương mại thì gạo Việt Nam không phải chỉ đối mặt với gạo Thái Lan mà còn phải cạnh tranh với đối thủ mới là gạo Ấn Độ.
Niềm vui xuất khẩu gạo chưa khỏa lấp được nỗi lo cho 6 tháng cuối năm. Ông Phong cho hay, diễn biến của thị trường gạo thế giới trong 6 tháng cuối năm còn phụ thuộc vào việc các nước xung quanh như Ấn Độ, Trung Quốc có động thái mua bán ra sao.
Hiện tại, Chính phủ Ấn Độ đang thực hiện việc dự trữ gạo nên gạo Việt Nam cũng có nhiều cơ hội hơn tại các thị trường, đặc biệt là châu Phi. Tuy nhiên, nếu Ấn Độ quyết định mở kho bán lúa thì gạo Việt Nam khó lòng cạnh tranh được về giá với gạo Ấn Độ.
Một nhân tố khác cũng có ảnh hưởng lớn đến thị trường gạo thế giới là Trung Quốc. Việc hạn hán nặng dẫn tới khả năng mất mùa tại nhiều nơi ở Trung Quốc được xem là ẩn số. “ Nếu Trung Quốc quyết định mua gạo thì thị trường thế giới sẽ biến động rất mạnh bởi nhu cầu mua của Trung Quốc là rất lớn. Điều đó sẽ khiến giá gạo lên không biết đến điểm nào”, ông Phong nhận xét.
Những lý do này đang khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đau đầu với bài toán xuất ngay hay mạo hiểm chờ thêm. Tuy nhiên, với thực tế các hợp đồng đã ký được tới hơn 70% lượng gạo dự kiến xuất khẩu cho năm nay thì có thể thấy rõ sự lựa chọn của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
Vẫn còn nhiều bất cập
Trên thực tế, cho dù có lúa hàng hóa đủ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đi nữa thì bản thân Hiệp hội và các doanh nghiệp vẫn chưa hết lo. Nỗi lo này bắt nguồn từ chính khả năng đảm bảo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp và từ cái cách cạnh tranh không thiện chí vẫn tồn tại bấy lâu nay khiến cho thương hiệu gạo Việt Nam chưa có cơ hội đạt được giá trị cao hơn.
“ Có hợp đồng xuất khẩu gạo sang Iraq với khối lượng 100.000 tấn nhưng chúng tôi rất phân vân vì ký thì có giao nổi trong 6 tháng không? Nếu không giao được lại bị phạt 10% và mất uy tín trong khi đây là thị trường mà chúng ta dày công gây dựng”, ông Phong nói. Trước đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã có hợp đồng 200.000 tấn vào thị trường Iraq trong 6 tháng đầu năm.
Tình trạng cạnh tranh trong giành hợp đồng xuất khẩu cũng được các doanh nghiệp lên tiếng cảnh báo. Bà Bùi Thị Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc đề xuất, cần có cơ chế điều hành riêng cho hai Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Lương thực Miền Nam để có thể tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân theo yêu cầu của Chính phủ và điều hành xuất khẩu theo thị trường, chứ không phải “cào bằng” như hiện nay.
“ Các doanh nghiệp nhỏ có thể làm theo hướng dẫn của Hiệp hội nhưng 2 tổng công ty lớn có tiềm lực tốt và dài hạn nên có thể chấp nhận giá bằng hoặc lỗ chút đỉnh để linh hoạt tìm thị trường”, bà Tâm nói.
Bên cạnh đó, chuyện làm nhiệm vụ thu mua lúa cho dân như yêu cầu của Chính phủ nhưng lại được chia chỉ tiêu xuất khẩu thấp như một vài hợp đồng gần đây cũng được Tổng công ty Lương thực miền Bắc thẳng thắn cho rằng “không công bằng”. Điểm cũng cần nói thêm là nguồn lúa gạo mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, không kể doanh nghiệp to hay nhỏ, tìm kiếm đều nằm ở các tỉnh ĐBSCL nên chuyện tranh mua là khó tránh khỏi.
Thực tế này cũng khiến cho hạt gạo Việt Nam còn phải vất vả để khẳng định chỗ đứng của mình!