Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tràn lan phân bón kém chất lượng: Thiệt hại lớn cho nông dân
05 | 03 | 2009
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ: NNPTNT, Công Thương, KHCN, Công an vừa hoàn tất thanh - kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và chất lượng phân bón năm 2008, dự kiến hôm nay (5.3) sẽ có hội nghị tìm giải pháp tại phía nam.

Theo đó, tình trạng phân bón rởm, kém chất lượng đang tăng nhanh. Điều này bức xúc đến mức, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đề nghị Quốc hội sớm ban hành Pháp lệnh về Quản lý phân bón...

50% kém chất lượng
Cơ quan chức năng đã hoàn tất thanh - kiểm tra hơn 4.400 lượt Cty sản xuất, kinh doanh và các đại lý kinh doanh phân bón ở 22 tỉnh, thành phía nam. Theo Cục Trồng trọt, con số được kiểm tra nêu trên chỉ bằng 10% các Cty, cơ sở, đại lý hiện tại ở phía nam, nhưng đã phát hiện gần 50% số mẫu phân bón kém chất lượng (mỗi mẫu ít nhất là thiếu một trong các thành phần dinh dưỡng có trong sản phẩm phân bón) cho thấy tình hình chất lượng phân bón đáng báo động.

Tỉ lệ phân kém chất lượng thường tập trung nhiều ở các tỉnh được xem là "vựa" rau củ quả phía nam, như An Giang có 31 mẫu kém chất lượng, chiếm 47%; Vĩnh Long có 39/74 mẫu, chiếm 52,7%; Trà Vinh có 32 mẫu, chiếm 57,14%; Bến Tre có 23 mẫu kém chất lượng, chiếm 67,64%...

Phân tích 146 mẫu sản phẩm của 9 tỉnh, thành phía nam, cơ quan chức năng phát hiện, trong ba loại phân bón vô cơ, hữu cơ và phân bón lá thì phân vô cơ có tỉ lệ kém chất lượng cao nhất, gần 70%; phân hữu chỉ chiếm hơn 19%; phân bón lá các loại chiếm trên 11%. Trong 4 thành phần dinh dưỡng chủ yếu đạm, lân, kali và hữu cơ trong phân bón, phát hiện tỉ lệ chất đạm bị ...ăn cắp" hơn lân và kali.

Vi phạm tràn lan...
Theo tổng kết của đoàn kiểm tra Cục Trồng trọt, không chỉ sai phạm về chất lượng, hàng loạt DN sản xuất kinh doanh phân bón, đặc biệt cơ sở nhỏ lẻ có sai phạm tràn lan với các hành vi như nhà xưởng chật chội, máy móc lạc hậu; không có phòng thử nghiệm chất lượng, hoặc chưa hợp đồng với cơ quan chức năng để kiểm tra chất lượng từng lô hàng trước khi xuất xưởng theo quy định (chiếm gần 60%); nhãn mác thiếu thông tin về bảo quản, hướng dẫn sử dụng; sản xuất, kinh doanh phân bón không có trong danh mục được phép SXKD...

Đáng lo ngại hơn, nhiều cơ sở đã lợi dụng tình hình thị trường biến động, giá cả leo thang để sản xuất phân kém chất lượng và nhái mẫu mã bán ra thị trường với giá rẻ hơn phân bón của các nhà sản xuất có công nghệ tiên tiến. Điều này đã làm thiệt hại cho nông dân, nhà sản xuất và gây rối loạn thị trường.

Phạt... thoải mái
Tổng số tiền phạt qua đợt thanh - kiểm tra lên hơn 4,3 tỉ đồng. Trong đó, Lâm Đồng là tỉnh tổ chức lấy mẫu phân bón nhiều nhất và cũng là tỉnh có mức thu tiền xử phạt hơn 864 triệu đồng, An Giang 852 triệu đồng, Sóc Trăng 641 triệu đồng, Bình Dương trên 358 triệu đồng, Vĩnh Long 287 triệu đồng, Bạc Liêu 128 triệu đồng...

Tuy nhiên theo đoàn thanh tra, mức phạt không đủ mạnh để răn đe. Hầu hết doanh nghiệp vi phạm chấp nhận nộp phạt rồi lại tiếp tục cho ra thị trường phân bón kém chất lượng. Với yêu cầu buộc tái chế đối với các sản phẩm sau khi có kết quả kiểm tra không đạt chất lượng, hầu như chẳng DN nào tuân thủ, mà cơ quan chức năng cũng... bó tay.

Nguyên nhân thì vẫn... "muôn năm cũ", như hệ thống văn bản pháp quy chuyên ngành về phân bón còn nhiều chồng chéo (cùng một nội dung, nhưng có nhiều văn bản của các ngành khác nhau quy định), nhiều đầu mối (một mặt hàng, nhưng lại do nhiều cơ quan quản lý); nông dân - nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn có tâm lý thích "rẻ", thích mua hàng có giá rẻ mà không biết rằng hàng hóa đó có chất lượng kém, mua hàng không cần hóa đơn và địa chỉ nơi bán, nơi sản xuất v.v...

Trước bức xúc đó, Cục Trồng trọt đề nghị cần có pháp lệnh về quản lý và nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón, với mức tiền phạt đủ sức ngăn ngừa tái phạm vi phạm. Bởi phân bón làm tăng năng suất cây trồng từ 35-45%, cứ 3 người sống trên hành tinh này thì có một người sống nhờ tăng năng suất cây trồng.



Nguồn: thitruong.agroviet.gov
Báo cáo phân tích thị trường