Những ngày đầu tháng 3 này, hàng ngàn bà con nông dân trồng sắn (mì) nguyên liệu ở huyện miền núi Như Xuân và Bá Thước đang dở khóc, dở mếu vì giá sắn nguyên liệu rớt thảm hại. Hàng ngàn tấn sắn tươi thu hoạch xong đổ đống trên đồi không ai mua.
Trong khi đó mùa mưa đang đến gần và lịch thời vụ gieo trồng vụ sắn mới năm 2009 lại sắp hết.
Chúng tôi về xã Xuân Hoà – một trong những xã trồng nhiều sắn nguyên liệu nhất huyện Như Xuân khi bà con nông dân nơi đây đang uể oải thu hoạch sắn dưới tiết trời mưa xuân ảm đạm.
Ông Lò Thanh Bình – bí thư Đảng uỷ xã Xuân Hoà than thở: “Năm nay bà con nông dân trong xã trồng được gần 400ha sắn nguyên liệu giống mới, năng suất đạt bình quân
20 tấn/ha. Nhưng đến nay, bà con mới thu hoạch được hơn nửa diện tích vì giá sắn bán tại ruộng chỉ được từ 370 – 420đ/kg (tuỳ từng địa điểm); còn bán tại bàn cân nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân cũng chỉ được 510đ/kg. Vì vậy, bà con nông dân không muốn thu hoạch, bởi càng thu hoạch, bán với giá này càng bị lỗ vốn...”.
Ông Lương Văn Minh – chủ đồi sắn rộng một hécta tại thôn Giăng, xã Xuân Hoà cho biết: “Năm ngoái giá sắn nguyên liệu đầu vụ nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân thu mua với mức 800đ/kg, cuối vụ giá tăng lên 1.200đ/kg, nên bà con nông dân hào hứng trồng sắn vì có lãi. Còn niên vụ này, với mức giá thu mua như hiện nay của nhà máy thì bà con nông dân đang lỗ từ 1 – 2 triệu đồng/ha trồng sắn nguyên liệu”.
Ông Đặng Thông Tư – phó chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: niên vụ 2008 – 2009, toàn huyện trồng được 2.850ha sắn nguyên liệu, tăng hơn niên vụ trước 900ha. Đầu vụ, nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của 1.400ha sắn nguyên liệu với giá 510đ/kg.
Tuy nhiên, do có sự biến động của thị trường xuất khẩu tinh bột sắn ở Trung Quốc, Đài Loan (nơi nhập khẩu tới 99% số lượng tinh bột sắn của nhà máy), bạn hàng không mở cửa nhập khẩu; giá tinh bột sắn trên thị trường giảm mạnh từ 7.000đ/kg xuống còn 3.700đ/kg, nên kéo theo sắn nguyên liệu rớt giá thảm hại...
Được biết, hiện nay hàng chục tấn tinh bột sắn mà nhà máy sản xuất từ đầu vụ đến nay vẫn nằm trong kho, chưa tiêu thụ được. Còn tại huyện Bá Thước – vùng nguyên liệu sắn chủ lực của nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bá Thước (thuộc công ty cổ phần xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hoá) cũng đang trong tình trạng khó khăn tương tự.
Ngoài việc hai nhà máy chế biến tinh bột sắn của tỉnh Thanh Hoá thu mua “nhỏ giọt” sắn nguyên liệu thì năm nay các tư thương trên địa bàn cũng không mặn mà với việc thu mua sắn khô để cung ứng cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi.
Trong những ngày này, UBND huyện Như Xuân và Bá Thước đang yêu cầu nhà máy thu mua sắn nguyên liệu của bàn con nông dân.
Bên cạnh đó, phòng nông nghiệp huyện đang tập trung chỉ đạo các xã và bà con thu hoạch đến đâu, cải tạo đất đến đó để duy trì diện tích đất trồng sắn hiện có (mỗi huyện duy trì khoảng từ 2.500 – 2.800ha sắn), để khi giá sắn nguyên liệu trên thị trường ổn định trở lại, nông dân vẫn có sắn để bán và nhà máy có nguyên liệu để sản xuất.