Dự báo nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ xảy ra khủng hoảng nguồn nguyên liệu tôm xuất khẩu, ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản.
|
Ông Dương Văn Hải ở xã Vĩnh Mỹ A (Hòa Bình, Bạc Liêu) “treo” ao tôm mấy tháng nay vì hết vốn nuôi tôm - Ảnh: DUY KHANG |
“Treo” ao vì hết vốn
Dọc theo đường ra xã Vĩnh Mỹ A (Hòa Bình, Bạc Liêu) những ngày này trên đồng tôm rất vắng người dù mùa nuôi tôm đã đến. Hàng chục ao tôm công nghiệp nước gần cạn đáy, quạt ôxy treo lơ lửng bởi nông dân đã chuyển sang nuôi cá kèo. Có người lại “treo” ao vì không còn vốn tái đầu tư. Ông Dương Văn Hải, xã Vĩnh Mỹ A, than thở: “Ba ao tôm công nghiệp tôi bỏ trống mấy tháng nay vì hết vốn. Mang sổ đỏ ra ngân hàng làm thủ tục vay tiền nhưng không được, hỏi người quen vay bên ngoài nhưng ai cũng lắc đầu nên đành treo bảng bán đất”.
Tương tự, ông Trương Minh Khai, ấp A1, thị trấn Hòa Bình, là một trong những người có thâm niên nuôi tôm từ nhiều năm, nhưng vài tháng trước đây đã quyết định chuyển sang nuôi cá kèo.
Theo ông Lê Minh Đầy - chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, hiện đã có 150/500ha đất nuôi tôm công nghiệp của xã được nông dân san bằng để sản xuất ruộng muối và nuôi cá kèo. “Nếu chúng tôi không chủ động khuyến cáo bà con thì trên 50% nông dân sẽ san bằng ao tôm” - ông Đầy nói.
Không riêng Bạc Liêu mà ở Sóc Trăng, Cà Mau cũng có rất nhiều người “treo” ao vì hết vốn. Anh Trần Quốc Bình ở xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) là người gắn bó với con tôm trên chục năm nhưng hiện nay cũng đang bỏ trống tám ao tôm công nghiệp. Anh Bình cho rằng một phần hết vốn tái đầu tư vì khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng, phần lo sợ giá tôm nguyên liệu giảm dẫn đến lỗ vốn như vụ trước nên tạm thời “treo” ao. Ngay cả “vua tôm” Sáu Cần ở xã Liêu Tú (Long Phú, Sóc Trăng) cũng “ngán” nuôi tôm nên chỉ chừa lại vài ao, hàng chục hecta đất nuôi tôm gắn bó với ông cả chục năm đã sang nhượng cho người khác.
Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng sơ bộ một số địa phương đã có báo cáo ban đầu về chuyện nông dân quay lưng với con tôm. Tại thị xã Bạc Liêu (Bạc Liêu) hiện còn trên 200ha đất nuôi tôm sú đang bỏ trống; tỉnh Cà Mau có gần 300/1.300ha đất nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp bỏ hoang hoặc chuyển sang nuôi trồng các loại cây, con khác. Theo ông Nguyễn Văn Khởi - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu - hiện diện tích thả tôm giống trong tỉnh chỉ đạt khoảng 1.000ha trong khi cùng kỳ năm trước trên 10.000ha.
Nhà máy “đói” nguyên liệu
Do thiếu nguồn nguyên liệu nên rất nhiều nhà máy chế biến tôm xuất khẩu khu vực ĐBSCL phải hoạt động cầm chừng. Tại Cà Mau, có nhà máy chỉ hoạt động khoảng 20% công suất. Theo ông Trần Thiện Hải - chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) - hiện giá tôm sú nguyên liệu đang tăng trên 20% so với tháng 2-2009, nhưng vẫn không đủ nguồn đáp ứng cho các nhà máy. Ông Hải cho rằng không riêng Cà Mau mà hai tỉnh có diện tích đất nuôi tôm công nghiệp rất lớn là Sóc Trăng và Bạc Liêu công suất chế biến của các nhà máy đông lạnh cũng không vượt quá 40%, dẫn đến tình trạng mất việc, thiếu việc làm nghiêm trọng đối với công nhân ngành thủy sản.
Để duy trì hoạt động, một số nhà máy đã phải tạm nhập tôm nguyên liệu ở một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia... để tái xuất nhưng hiện các nước này cũng hết mùa tôm nên hàng loạt nhà máy tiếp tục... “đói” nguyên liệu. Ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần chế biến thủy sản Sao Ta (Fimex VN) - cho rằng việc nông dân quay lưng với con tôm hoặc chưa thả tôm là do sợ rủi ro, lo giá tôm giảm mạnh như năm 2008 và một phần là hết vốn sản xuất. Chủ tịch VASEP Trần Thiện Hải thừa nhận: hiện nhiều người nuôi tôm rất khó tiếp cận được với vốn tín dụng nên buộc họ phải “treo” ao.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Tấn Bửu - giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh tỉnh Sóc Trăng - cho biết do đầu tư vốn cho con tôm mức độ rủi ro cao, khó thu hồi vốn nên hệ thống ngân hàng nông nghiệp ở Sóc Trăng không để dư nợ cho nuôi tôm vượt quá 650 tỉ đồng.
DUY KHANG - NHƯ Ý
Đề xuất giải pháp hỗ trợ nông dân Theo ông Lương Ngọc Lân - phó giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, do nhiều năm nuôi tôm thua lỗ nên một bộ phận nông dân hiện hết vốn tái sản xuất, giá tôm nguyên liệu bấp bênh, thường xuyên giảm ở mức thấp hơn giá thành khiến nông dân bị thua lỗ và mất lòng tin vào tính bền vững của nghề nuôi tôm. Hiện tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất trung ương tăng cường nguồn vốn cho nông dân tái đầu tư nuôi tôm, tìm giải pháp giảm giá mặt hàng thức ăn nuôi tôm để đảm bảo cho người nuôi tôm có lãi. Theo ông Lương Ngọc Lân, hiện nay người nuôi tôm không được hỗ trợ như một số lĩnh vực nuôi trồng khác khi gặp dịch bệnh, thiên tai... Vì vậy, Bạc Liêu đã có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ con giống cho người nuôi tôm và hóa chất xử lý ao đầm... |