Cá nặng, lưới đầy...
Những ngày này, cảng cá Tam Quan (Bình Định) tấp nập tàu thuyền ra, vào. Cả làng biển chìm trong không khí nhộn nhịp, người khẩn trương khiêng cá lên bờ, người vội vàng chuyển nước đá, xăng dầu xuống thuyền.
Anh Lê Tấn Khoa cho biết: “Chuyến đi biển vừa rồi tàu tôi thắng lớn, đáng lẽ phải để anh em nghỉ ngơi ít ngày, nhưng bây giờ biển đang “no”, thời gian quý hơn vàng, phải tranh thủ thôi!”.
Không riêng gì tàu của anh Khoa, tàu của ông Lê Bường ở Tân Thành 2 (Hoài Nhơn) vừa cập bến bán sản phẩm đã vội vã để trở lại ngư trường. Chỉ trong một chuyến ra khơi, tàu của ông Bường đã đánh bắt được 3 tấn cá ngừ đại dương, thu về trên 300 triệu đồng.
Các làng biển của tỉnh Phú Yên từ Xuân Hải (huyện Sông Cầu) đến Vũng Rô (huyện Đông Hòa) đâu đâu cũng tràn ngập tiếng cười. Nếu như ở cảng cá phường 6 (TP Tuy Hòa) mỗi ngày có hàng chục tấn cá ngừ đại dương vào bến thì ở làng biển Mỹ Quang (huyện Tuy An), Xuân Thịnh (huyện Sông Cầu) mỗi ngày cũng có chừng ấy tấn cá cơm được đưa vào các cơ sở để chế biến xuất khẩu và làm nước mắm. Ở các làng biển Nhơn Hội, Phú Thường… ngoài cá cơm các loại, ngư dân còn trúng lớn các loại mực, cá chù, cá hố…
Tại cảng Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) không khí nhộn nhịp như ngày hội. Hàng trăm con thuyền chở đầy cá lần lượt cập cảng để tiêu thụ và tiếp thêm nhiên liệu, các nhu yếu phẩm chuẩn bị cho những chuyến ra khơi tiếp theo.
Nét mặt của hầu hết ngư dân đều rạng rỡ. Trên bờ, hàng trăm “đầu nậu” cùng người nhà của các ngư dân mua bán nhộn nhịp.
Ông Nguyễn Cư, chủ tàu QNg 4135 TS ở Quảng Ngãi cho biết, chỉ riêng trong tháng giêng, tàu của ông ra khơi 3 chuyến đều trúng đậm. Hải sản “được mùa” đủ các loại từ cá chim, cá thu, cá hố đến cá cơm, cá chuồn, trong đó nhiều nhất là cá cơm. Bình quân mỗi con tàu cỡ trung bình buổi tối ra khơi, buổi sáng vào bờ có thể đánh bắt được từ 2 – 3 tấn cá cơm có chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Lãi hàng trăm triệu đồng/chuyến
Giá cá ngừ đại dương hiện nay dao động khoảng 100.000 đồng/kg, cao hơn các năm trước khoảng 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi tàu ra khơi chỉ cần câu được chừng 30 - 40 con là coi như “trúng mánh”. Thế nhưng năm nay, nhiều tàu đã trở về với số cá gấp đôi, thậm chí gấp ba.
Nhờ được mùa, được giá nên hầu hết ngư dân ở Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi... đều làm ăn có lãi. Anh Lê Tấn Khoa cho biết: “Những năm trước, cũng với chiếc tàu 130 CV này, mỗi chuyến đi biển về chúng tôi chỉ đánh bắt được khoảng 1 tấn cá. Nhưng năm nay, tôi đã đi được 2 chuyến, trung bình mỗi chuyến đạt 2 tấn. Sau khi trừ chi phí, vẫn còn lãi trên 100 triệu đồng/chuyến, cao hơn rất nhiều so với các năm trước. Nhờ đó, gia đình tôi đã trang trải được nợ nần và có vốn để dành”.
Không chỉ anh Khoa, rất nhiều chủ tàu, ngư dân ở khắp các tỉnh miền Trung trong những ngày qua có mức lợi nhuận rất cao. Con thuyền của ông Lê Đình Hải cũng ở Hoài Nhơn trong chuyến ra khơi mới đây khai thác được trên 2 tấn cá ngừ đại dương, lãi gần 100 triệu đồng. Tàu của ông Lê Đình Lợi vừa mới cập cảng cá Tam Quan khai thác hơn 2 tấn cá, lãi trên 100 triệu đồng...
Một số người đang làm chủ nhiều con tàu chỉ trong 1 tháng “trúng mùa” đã thu về hàng tỷ đồng - điều mà trước đây không ai có thể tưởng tượng nổi.
Nghề chế biến hải sản nhờ vậy cũng đã khởi sắc. Chỉ riêng xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đã có 28 cơ sở chế biến hải sản đang hoạt động hết công suất, thu hút hơn 400 lao động nữ ở địa phương. Gần 200 hộ chuyên làm nghề chế biến nước mắm ở huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) cũng đã giải quyết được nhiều việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập cao và ổn định.
Trong khi bà con ngư dân đánh bắt xa bờ phấn khởi vì được mùa, nhiều người dân ở dọc sông Ba (tỉnh Phú Yên) lại liên tục trúng đậm cá bống. Chỉ cần vài tấm lưới mùng, trong một đêm, một người có thể đơm được cả chục ký cá bống.
Với giá bán 100.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi người dân làm nghề chài lưới dọc sông Ba có thể thu về gần 1 triệu đồng/ngày - đây là số tiền không nhỏ đối với người dân địa phương.
Bên cạnh niềm vui “được mùa”, nhiều ngư dân ở miền Trung vẫn phập phồng, lo lắng. Một trong những nỗi lo lớn của họ là giá cả và đầu ra sản phẩm trong những năm qua thường không ổn định và điều này có thể xảy ra trong mùa thu hoạch năm nay.
Do phần lớn cơ sở thu mua thủy - hải sản hiện nay tại các tỉnh miền Trung hình thành tự phát, thiếu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng nên dễ xảy ra tình trạng điều chỉnh giá theo hướng có lợi cho các ông chủ thu mua và sự thua thiệt thuộc về ngư dân.
Ngoài ra, trong các mùa thu hoạch khai thác hải sản những năm trước đã xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh thiếu lành mạnh. Không ít cơ sở thu mua thủy - hải sản đã liên kết nhau ép giá, gây thiệt hại cho ngư dân.
Giải quyết những vướng mắc này, niềm vui “được mùa” của ngư dân các tỉnh miền Trung sẽ thật trọn vẹn!