Cũng theo Cục trưởng Thú y, tình hình dịch “tai xanh” tiếp tục diễn biến phức tạp tại tỉnh Quảng Nam. Từ đầu tháng 3 đến nay, dịch lây lan nhanh ở các xã: Điện Phương, Điện An, Điện Thắng Nam, Điện Phước (Điện Bàn), Quế Thuận (Quế Sơn), Nam Phước (Duy Xuyên), Bình An, Bình Quý (Thăng Bình) với tổng số gia súc mắc bệnh trên 550 con lợn. Như vậy tại Quảng Nam dịch “tai xanh” đã “bùng nổ” ở 31 xã, thị trấn của 4 huyện. Cả nước có 3 tỉnh gồm Bạc Liêu, Quảng Ninh, Quảng Nam có dịch “tai xanh” chưa qua 21 ngày.
Ông Bùi Quang Anh nhận định, tình hình dịch CGC tại các địa phương đang tạm thời được khống chế nhưng nguy cơ lây lan vẫn còn cao. Cục Thú y đã đặt tiền mua 90 triệu liều vacxin CGC của Trung Quốc nhưng đến nay hàng vẫn chưa về, song nguồn vacxin dự phòng từ năm ngoái vẫn còn 180 triệu liều. Năm 2009 không thiếu vacxin, Cục sẽ cung cấp đủ để các địa phương tiêm phòng…
Về tình hình dịch LMLM, ở Kon Tum đang có dấu hiệu chững lại song nguy cơ mầm bệnh phát tán rộng thông qua con đường buôn bán, vận chuyển gia súc lậu; đặc biệt là số gia súc đã khỏi triệu chứng lâm sàng bệnh LMLM là rất cao. “Điều đáng nói là ba năm liên tiếp dịch “tai xanh” bùng phát ở Quảng Nam. Nguyên nhân chủ yếu do sự chỉ đạo của tỉnh này chưa quyết liệt, xử lí không triệt để. Các đoàn kiểm tra của Bộ NN - PTNT, Cục Thú y liên tục vào kiểm tra, chỉ đạo chống dịch song đến thời điểm này Quảng Nam vẫn chưa khống chế được dịch “tai xanh”-ông Anh nói.
Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng: “Các tỉnh ĐBSCL đều báo cáo tỷ lệ tiêm vacxin CGC đạt cao nhưng khi tôi đi kiểm tra thực tế tại một số địa phương, đặc biệt là nơi xảy ra dịch, hầu hết tiêm phòng không đạt kế hoạch”. Thứ trưởng đánh giá cao công tác tiêm phòng CGC ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Bắc Ninh tiêm phòng bổ sung rất tốt. “Về dịch "tai xanh" luôn hoành hành ở Quảng Nam, tôi thẳng thắn phê bình lãnh đạo địa phương chỉ đạo chống dịch quá yếu. Đặc biệt tại huyện Điện Bàn, là điểm trung chuyển hàng hóa, gia súc Bắc - Nam lại thường xuyên xảy ra dịch, nếu không xử lí triệt để sẽ có nguy cơ lây lan ra nhiều tỉnh khác. Trong tuần tới lãnh đạo Bộ NN - PTNT tiếp tục vào Quảng Nam chỉ đạo chống dịch”.
Về công tác phòng chống dịch CGC ở người, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho rằng, thời gian qua ngành Y tế có "sơ hở", biện pháp điều trị chưa quyết liệt, để xảy ra 2 trường hợp tử vong do H5N1 là điều đáng tiếc. Chỉ khi có người bị nhiễm dịch CGC thì bên y tế mới cử người xuống địa bàn… kiểm tra, tuyên truyền chống dịch. |
Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Thú y có văn bản chi tiết về tình hình chống dịch tại Quảng Nam để Bộ NN- PTNT báo cáo Chính phủ sớm có biện pháp xử lí. Đối với dịch LMLM, đặc biệt tỉnh Kon Tum phải rà soát và theo dõi chặt chẽ số gia súc của các dự án liên quan cũng như toàn bộ gia súc mẫn cảm để người dân không bán tháo hoặc giết mổ, tiêu thụ con mắc bệnh. Các tỉnh kiểm tra dự án cung cấp con giống gia súc, gia cầm phải tuân thủ quy định về kiểm dịch động vật và tăng cường giám sát của cơ quan thú y…
Bộ NN- PTNT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 214 ngày 10/2/2009 của Thủ tướng về tăng cường triển khai các biện pháp chống dịch, chuẩn bị chiến dịch tiêm phòng vacxin CGC đợt I từ tháng 4/2009. Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, KH&ĐT báo cáo Thủ tướng ưu tiên bổ sung việc tiêm phòng vacxin CGC cho đàn vịt chạy đồng, đề xuất việc điều chỉnh cho hộ nuôi 2.000 con vịt trở lên không phải trả tiền vacxin tiêm phòng.