Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Siêu thị là gì nhỉ
23 | 03 | 2009
Siêu thị là cái gì nhỉ? Bạn có thể bảo đó là một câu hỏi ngớ ngẩn. Nhưng bạn cho biết nó là cái gì không? Chắc chắn bạn cũng sẽ lúng túng như tôi mà thôi.
Dẫu không phải là dân chuyên lượn siêu thị, nhưng cũng đã nhiều lần bước vào cái hệ thống bán mua này, tậu từ những vật lớn như cái ti vi, tủ lạnh, đến những con sò, con ốc phục vụ tức thì cho bữa nhậu ngẫu hứng với bạn bè, hơn nữa cũng đã nhiều lần ngồi lỳ hàng giờ ở hành lang ngắm nghía những người tay xách nách mang hối hả qua lại trong lúc bà vợ ung dung “tham quan du lịch” giữa các giá hàng… cho nên tôi tự cho mình cái “chức” không lạ gì siêu thị!
 
Nhưng từ đó đến hiểu biết thực sự lại là chuyện khác.
 
Cho rằng đây vốn là hình thức kinh doanh của Tây, trong một xã hội có cuộc sống chất lượng cao, tôi đã tìm hỏi một vị vốn ở ngành ngoại thương, chuyên phiên dịch tiếng Anh. Ông cho biết đó là phiên dịch từ Supermarket. Trả lời như vậy với một kẻ mù tịt ngoại ngữ như tôi cũng coi như bằng không.
 
Không biết thì cậy thầy. Tôi đã tìm đến mấy cuốn tự điển. Một cuốn định nghĩa: Siêu thị là cửa hàng tự phục vụ lớn, bán thực phẩm và hàng hóa đủ loại. Một cuốn khác thì cho rằng: Đó là một thứ chợ, thường được tổ chức trong những tòa nhà, hàng hóa đầy đủ hơn các chợ. Tôi gọi điện cho nhà báo Hoàng Linh, một cây bút có hạng trong giới viết về kinh tế. Ông Linh ngần ngừ một lát rồi trả lời cho qua chuyện: Đó là một cái chợ hiện đại!
 
Xem ra tất cả đều đã đến gần chân lý nhưng còn khá mù mờ.
 
Thực ra hai chữ SIÊU và THỊ thì ai cũng biết, nhưng khi chúng kết hợp với nhau để chỉ một hình thức kinh doanh thì không ai nắm bắt đến tận cùng.
 
Vấn đề ở đây là cái mới.
 
Siêu thị mới chỉ xuất hiện ở nước ta mấy chục năm nay. So với những cái THỊ đã tồn tại hàng ngàn năm thì cái SIÊU này còn quá ư mới mẻ. Nó đang trong quá trình nhận biết và hoàn chỉnh. 
 
Vậy thì nên dẹp những lăn tăn chữ nghĩa lại để mạnh dạn nói lên điều này: Siêu thị, đó là thành quả văn minh của nhân loại. Kinh doanh mua bán ở siêu thị là một phương cách khác rất xa truyền thống ngàn năm.

Chúng ta biết Việt Nam có hàng ngàn cái chợ. Chợ mọc lên ở khắp nơi, theo kiểu tự phát. Ngã ba đường, dưới gốc đa, mái đền, bến sông, cổng trường, cửa quan… Chợ họp cả ngày, chợ sáng, chợ chiều, chợ tháng sáu phiên, chợ mỗi năm chỉ họp một lần… thôi thì đủ kiểu. “Cơ sở vật chất” thì là những mái lều xiêu vẹo, những chỗ ngồi tạm bợ, lầy lội, đầy rác rưởi, ruồi bọ… Cung cách làm ăn thì có gì bán nấy, nhập nhằng chất lượng sản phẩm, nói thách, mặc cả rối mù, thêm thêm, bớt bớt, cãi vã là chuyện thường.
 
Trong hàng ngàn chợ ấy, có những chợ rất nổi tiếng như Đồng Xuân, Đông Ba, Bến Thành… rồi chợ Rồng Nam Định, chợ Sắt Hải Phòng, chợ Cồn Đà Nẵng, chợ Đầm Nha Trang… Những ngôi chợ kể trên và nhiều ngôi chợ khác tuy được xây cất đồ sộ, nhưng vẫn cung cách mua bán như chợ làng, chợ bãi mà thôi. Đến như Thủ đô của chúng ta cũng là một cái chợ (Kẻ Chợ), một cái chợ rất to mà các phố phường chỉ có nghĩa như những dãy hàng. Chẳng thế mà: Dạo chơi xem khắp Long thành/ Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai/ Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai/ Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Hài, Hàng Khay… Một cái chợ khổng lồ, nhưng về chất, tầm vóc của nó cũng chỉ bé tí hin.

Có thể nói hàng ngàn năm chúng ta không thể hình dung một cách mua bán nào khác. Chúng ta suy tôn đó là giá trị dân tộc. Rồi đến thời siêu thị mọc lên. Lề lối mua bán khác hẳn. Người ta lạ lùng, người ta đến thăm, người ta ngợi ca và kêu ca! Ca ngợi về vệ sinh, ngăn nắp, kêu ca về giá (cao hơn bên ngoài tí chút); nhưng kêu ca dai dẳng nhất là phải từ bỏ thói quen “văn hóa” ngồi lê ăn bệt, cò cưa trả giá. Hơn thế nữa, lại còn thấy bị “xúc phạm” khi bắt buộc phải gửi túi đựng đồ bên ngoài, mỗi bước đi đều bị giám sát bởi cái ca-mê-ra đâu đó.
 
Bây giờ thì lời kêu đã bớt, đã nhiều hơn là những lời ca. Một thứ văn hóa mới đang hình thành. Nó giúp chúng ta hòa nhập với thế giới, chơi chung một sân với thiên hạ. Thị trường bán lẻ đã mở cửa, nhiều tập đoàn xuyên quốc gia đã thâm nhập, với những ưu thế của những tay nhà giàu chuyên nghiệp.
 
Hiện nay ở nước ta đã có nhiều siêu thị: chuỗi siêu thị CorpMart, Intimex, HaproMart, FiviMart, VinatexMart, rồi hệ thống siêu thị BigC, Metro. Đáng chú ý, hệ thống siêu thị nội địa của Intimex, CorpMart, HaproMart, FiviMart cũng đã kịp đứng chân, đã chinh phục được khá nhiều trái tim người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh bình đẳng, văn minh.

Có dịp đi qua một số siêu thị ở một số tỉnh thành, tôi mới hiểu được điều đó, và mới thấy thế nào là điều cốt tử trong kinh doanh. Nhưng với tôi và chắc chắn là với nhiều người nữa, điều đáng nói hơn là hệ thống siêu thị nội địa đã góp phần rũ bỏ một thói quen thâm căn cố đế lỗi thời, tạo nên một nét văn hóa mới trong cuộc sống hôm nay.


Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử
Báo cáo phân tích thị trường