Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giới hạn diện tích lúa thơm, đặc sản ở mức 20% diện tích
24 | 03 | 2009
Nên giữ cơ cấu giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao trong sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với tỉ lệ từ 15-20% diện tích. Đây là khuyến nghị của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) tại buổi giao ban sản xuất lúa gạo các tỉnh ĐBSCL sáng 23.3.2009 tại Vĩnh Long.

Theo bộ NNPTNT, nếu các tỉnh gieo trồng giống mới vượt quá tỉ lệ này sẽ kiểm soát sản xuất thiếu chặt chẽ trong việc việc phòng trừ dịch hại, sẽ có nhiều khả năng bộc phát dịch hại gây thiệt hại về năng suất, sản lượng cho người trồng lúa.

Hiện nay có sự gia tăng diện tích các giống lúa thơm chất lượng cao như Jasmine 85, VD 20, OM 3536, OM 4900. Giống lúa Jasmine được trồng ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tăng đáng kể trong vụ đông xuân 2008-2009 so với đông xuân 2007-2008 và hè thu 2008. Đây là những giống lúa mẫn cảm với dịch hại, nhất là rầy nâu, do vậy cần được quan tâm như yêu cầu chỉ đạo của bộ NNPTNT cần khoanh vùng sản xuất, có quy trình kỹ thuật và danh sách nông dân đăng ký sản xuất, có kiểm soát, kiểm tra tình hình dịch hại để đảm bảo năng suất, sản lượng

Cũng tại buổi giao ban, theo các sở NNPTNT ĐBSCL, trong toàn vùng các giống lúa phổ biến sử dụng trong vụ đông xuân 2008-2009 là: OMCS 2000, VND 95-20, OM 2514, OM 2517, OM 4498, OM 4900, OM 3536, OM 5930, JASMINE 85, IR 50404, OM 576… Một số giống lúa có triển vọng cũng có sự gia tăng diện tích là OM 6162, OM 6073, OM 6561.

Theo Sở NN & PTNT các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang và Bạc Liêu, giá thành sản xuất lúa đông xuân 2008-2009 bình quân ở mức 2.000 - 2.100đ/kg lúa thường và 2.200 – 2.300đ/kg lúa chất lượng cao. Giá mua lúa thường hiện nay tại An Giang từ 4.000 đến 4.100đ/kg lúa IR 50404, giá lúa chất lượng cao (OM 2514, OM 2717, OMCS 2000, VND 95-20) từ 4.200 đến 4.600đ/kg, lúa thơm jasmine 85 giá 4.800 - 5.000đ/kg.

Bộ NNPTNT cũng khuyến cáo, hiện một vài nơi đã có hiện tượng nông dân muốn mua giống tốt để sản xuất nhưng địa phương chưa đáp ứng được. Do vậy từng tỉnh phải tập trung đầu tư cho công tác so sánh, thử nghiệm, trình diễn giống lúa, hàng vụ có tổ chức tổng kết và sản xuất giống ngay cho vụ sau.

Cần chấn chỉnh việc sản xuất, kinh doanh các giống lúa mới vào sản xuất theo Pháp lệnh giống cây trồng và Quyết định 95/2007/QĐ-BNN về quy định công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới. Một số địa phương đã sản xuất và cung ứng các giống lúa đang trong quá trình khảo nghiệm quốc gia hoặc chỉ được phép sản xuất thử là chưa đúng với các quy định pháp luật hiện nay. Việc sản xuất, phát triển nóng và nhanh các giống lúa mới sẽ làm cho sự thích nghi của dịch hại nhanh hơn và làm suy cạn nguồn giống (gene) dự trữ cho sản xuất lâu dài.

Theo điều tra của trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón vùng Nam bộ, trong năm 2007, số lượng giống lúa gieo trồng trong vụ đông xuân là 119 giống, hè thu là 117 giống, thu đông và mùa là 158 giống. Các địa phương cần theo dõi và bố trí trong cơ cấu giống từ 3-5 giống lúa chủ lực, 3-5 giống lúa bổ sung và triển vọng trong từng vụ lúa, đồng thời theo dõi tính thích nghi và khả năng đáp ứng thâm canh, năng suất sản lượng của giống để có hướng duy trì hoặc thay thế dần trong canh tác lúa.

Diện tích xuống giống lúa đông xuân 2008-2009 đạt trên 1,5 triệu ha, tăng 18.000 ha so cùng kỳ. Thu hoạch đến ngày 20.3.2009 đạt 700.000 ha, năng suất bình quân 6,2 đến 6,3 tấn/ha. Dự kiến vụ này thu hoạch dứt điểm vào giữa tháng 4.2009. Dự báo sản lượng lúa đông xuân 2008-2009 vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 9,6 đến 9,8 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2008.



Nguồn: www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường