Bảy trong số 10 thị trường chè dược thảo trên thế giới sẽ suy thoái trong năm nay, còn 3 thị trường còn lại có thể tốt hơn nhưng cũng chỉ tăng trưởng GDP ở mức khiêm tốn. Đó là thực tế ảm đạm của nền kinh vĩ mô mà ngành hàng phải đương đầu để có thể có được sự tăng trưởng khó khăn trong tương lai. Tất nhiên, đó cũng là thực trạng chung đối với ngành đồ uống, nhưng đối với mặt hàng hàng đầu và là thị trường ngách cạnh tranh như chè dược thảo thì sự ảnh hưởng đó thể hiện rất rõ nét.
Mức tăng trưởng chung của ngành chè dược thảo trong năm 2008 có được là nhờ mức tăng từ các thị trường mới nổi tại khu vực Đông Âu và Mỹ La tinh nhưng những thị trường này trong năm nay cũng không khả quan do cả 2 khu vực này dự đoán có thể bị tác động lớn bởi cuộc khủng hoảng tài chính trong cả giai đoạn 2009-2010. Ví dụ, thị trường Nga đạt mức tăng 8% về tiêu thụ chè dược thảo trong năm 2008 nhưng trong năm nay dự đoán cũng sẽ đi vào suy thoái; Thị trường Braxin với mức tăng 2 con số (10,1%) về tiêu thụ chè dược thảo vào năm 2008, nhưng dự đoán sẽ phải khó khăn để giữ được mức tăng GDP là 1,8% trong năm nay và có thể suy giảm vào năm 2010.
10 thị trường tiêu thụ chè dược thảo lớn nhất thế giới 2007-2008
Đvt: triệu cốc
Thị trường | Mức tiêu thụ năm 2007 | Mức tiêu thụ năm 2008 | Mức tăng tiêu thụ năm 2008 so với 2007 (%) | Dự đoán mức tăng GDP năm 2009 (%) |
Đức | 11.901 | 11.688 | -1,8 | -2,5 |
Hoa Kỳ | 6.819 | 6.928 | 1,6 | -1,6 |
Ba Lan | 4.768 | 5.197 | 9 | 2 |
Pháp | 2.353 | 2.395 | 1,8 | -1,9 |
Nga | 1.783 | 1.926 | 8 | -0,7 |
Thuỵ Sĩ | 1.630 | 1.677 | 2,9 | -0,5 |
Braxin | 1.240 | 1.365 | 10,1 | 1,8 |
CH Séc | 1.065 | 1.118 | 4,9 | 1,7 |
Nhật Bản | 859 | 893 | 4 | -2,6 |
Italia | 840 | 874 | 4 | -2,1 |
(Nguồn: Euromonitor) Một vấn đề gây ảnh hưởng lớn tới lĩnh vực chè dược thảo là giá các mặt hàng đồ uống sẵn tăng cao với mức tăng 0,3 USD/lít trên toàn cầu vào năm 2008, ví dụ chè xanh tăng 0,20 USD/lít và chè đen 0,10 USD/lít. Không giống như chè đen, loại chè dược thảo chưa trở thành một đồ uống thiết yếu trong tập quán tiêu thụ của người dân, thậm chí kể cả tại các thị trường tiêu thụ chính, vì vậy tiêu thụ chè dược thảo sẽ gặp khó khăn khi các hộ gia đình thắt chặt chi tiêu trong thời kỳ khủng hoảng.
Sự quảng cáo nhiều về lợi ích tốt cho sức khoẻ của chè dược thảo sẽ là một phương thức hữu ích để ngành này có thể chống chọi với sự khủng hoảng kinh tế ở một số thị trường các nước công nghiệp, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, tuy nhiên thực tế là sự chú trọng thái quá về yếu tố chăm sóc sức khoẻ của sản phẩm này có thể làm cản trở sức tiêu thụ, đưa sản phẩm này vào sự cạnh tranh tiêu cực từ hàng loạt các loại đồ uống giá rẻ hơn.
Do đó, có thể làm một thử nghiệm xem liệu chè dược thảo có thể mở rộng sức tiêu thụ và hấp dẫn của nó ngoài yếu tố về chăm sóc sức khoẻ hay không. Với sự linh hoạt hơn, không chỉ dựa vào khía cạnh rõ ràng về lợi ích sức khoẻ mà sản phẩm đem lại, ngành hàng này sẽ mở rộng được phạm vi hoạt động trên toàn cầu. Nếu làm được như vậy, ngành chè dược thảo vẫn sẽ có triển vọng trong trung và dài hạn, với tâm điểm là các thị trường mới nổi, gồm cả Nga và Braxin.
Dự đoán sự suy giảm lớn nhất về tiêu thụ sẽ là Đức, thị trường tiêu thụ chè dược thảo đứng hàng đầu thế giới. Theo số liệu của hãng Euromonitor, trên thị trường Đức chủ yếu là chè dược thảo nhãn hiệu tư nhân, chiếm 1/3 trị giá bán lẻ mặt hàng này năm 2008. Sức cạnh tranh của các nhãn hiệu của các siêu thị, cửa hàng lớn mới có thể sẽ làm phục hồi thị trường khi sức mua đã giảm trong năm nay. Do vậy, có thể cần phải có hành động táo bạo từ các hãng với nhãn hiệu quốc tế làm thay đổi quan niệm của người tiêu dùng Đức về loại chè dược thảo. Đó có thể là sự đầu tư mạo hiểm khi sức tiêu thụ đã yếu và sản phẩm đang trong tình trạng suy giảm kéo dài, nhưng việc giành lại thể chủ động tại thị trường Đức có thể sẽ là một đòn bẩy lớn đối với ngành chè dược thảo trên thế giới.