Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiêu thụ cá ngừ đại dương: Ngư dân bị ép giá, thua thiệt
26 | 03 | 2009
Sau những ngày vật lộn với sóng gió ngoài khơi xa để đánh bắt cá ngừ đại dương, khi trở về bến ngư dân lại cay đắng chấp nhận thua thiệt đủ thứ do bị ép giá, ép phẩm cấp cá, ép cân già ký… Nghịch lý này đã và đang xảy ra ở Phú Yên – nơi có sản lượng đánh bắt cá ngừ lớn nhất cả nước
Khóc ròng” khi về bến

Ngư dân câu được cá ngừ đại dương đã khó, tiêu thụ lại càng khó hơn do bị ép giá, ép phẩm cấp

Hiện đang thời kỳ cao điểm của câu cá ngừ đại dương, tàu thuyền đầy ắp cá nối đuôi nhau cập cảng cá phường 6, TP Tuy Hoà, Phú Yên – trung tâm mua bán cá ngừ đại dương lớn ở duyên hải miền Trung.

Ông Lê Văn Mười, chủ tàu PY91972 ở phường 6, than thở: “Ngư dân vất vả vật lộn với sóng gió, với thời tiết khắc nghiệt ở khơi xa mới câu được con cá ngừ, nhưng đến khi vào bờ bán cá càng cay đắng hơn. Chuyến trước, tui bị ép dạt 500kg cá. Còn chuyến này, tàu của tui chưa bốc dỡ cá lên bờ, chưa biết chất lượng cá ra sao, vậy mà đầu nậu đã thông báo trước là sẽ mua theo giá cá “sô”, chỉ 20.000 –30.000đ/kg. Khổ nỗi, tui còn nợ của đầu nậu do chi phí các chuyến trước nên giờ buộc phải bán cá cho họ…”. Tàu của ông Phạm Lời (ở phường Phú Đông, TP Tuy Hoà) câu được gần tấn cá, khi về bến bán, đại lý mua dạt loại hai gần ba tạ cá, chuyến đi biển coi như “công cốc”. Ông Năm Tịnh, chủ tàu PY90819 (cũng ở phường Phú Đông), chua xót nói: “Trong một chuyến đi biển vừa qua, tàu của tôi câu khơi được gần 2,5 tấn cá, cứ tưởng có lãi rất cao, nhưng chỉ mừng hụt bởi khi cân bán, đầu nậu đã ép hơn 1,3 tấn cá dạt xuống hạng bét”.

Khi các đại lý “liên minh”

Tại Phú Yên hiện có bốn doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp và hơn 20 đầu mối mua uỷ thác. Người mua đánh giá chất lượng cá theo kiểu thủ công là dùng que đâm vào thịt cá để “thử” và phụ thuộc hoàn toàn ở cái nhìn rất cảm tính bằng mắt thường. Các đại lý, nậu, vựa dựa vào cách làm này để luôn ép phẩm cấp cá của ngư dân một cách vô tội vạ. Một chủ tàu tính toán, mỗi ngày một chủ nậu có thể mua cả chục tấn cá, nhưng chỉ cần nhìn và “phán” năm con cá ngừ với chất lượng loại một (khoảng 50kg/con) “rớt” xuống thành loại hai, chủ nậu đã thu lời gần sáu triệu đồng. Ông Chích, một chủ tàu ở phường Phú Đông, câu được 44 con cá, bị một đại lý “nhìn” cá dạt 12 con. Tức giận, ông Chích chở cá bán cho một doanh nghiệp khác thì chỉ bị dạt có hai con. Dù bị ép trắng trợn nhưng không phải chủ tàu nào cũng làm được như ông Chích, ngược lại hầu hết các chủ tàu thuyền đều phải bán cá cho chủ nậu, bởi họ đều lệ thuộc vào đồng vốn vay trước khi ra khơi.

Các ngành chức năng cần sớm tham gia xây dựng lực lượng “trọng tài”, trang bị phương tiện kiểm định chất lượng cá để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân. Muốn bảo vệ quyền lợi cho ngư dân trong tiêu thụ cá ngừ, thì phải xây dựng cảng cá hoàn chỉnh, tổ chức chợ đấu giá cá ngừ. Qua đó, ngăn chặn các đại lý ép giá, giúp ngư dân thay đổi công nghệ khai thác đảm bảo chất lượng, tiêu thụ giá cao.

Bà Trần Thị Việt Ngân, phó chủ tịch hiệp hội Nghề cá Phú Yên

Hiện giá cá ngừ đại dương loại một tại Phú Yên đang ở mức 85.000 – 90.000đ/kg, tương đối cao so với các năm trước. Tuy nhiên, giá cá ở Phú Yên thấp là do các đại lý, đầu nậu, vựa “liên minh” ép giá. Chính vì thế, giá cá ngừ ở Phú Yên liên tục lên xuống, bấp bênh. Ông Đỗ Năm ở phường 6, chủ của hai chiếc tàu đánh bắt cá ngừ đại dương bức xúc: “Hơn 80% chủ tàu câu cá ngừ ở Phú Yên mượn vốn sắm chuyến của các đại lý. Từ lâu ngư dân Phú Yên đã bị mất quyền bán cá ngừ theo giá thị trường. Nguyên nhân là do thiếu sự quản lý, can thiệp của Nhà nước.

Chỗ dựa nào cho ngư dân?

Hầu hết các chủ nậu, vựa đều đổ lỗi cho ngư dân Phú Yên kéo dài thời gian đánh bắt trên biển, câu nhiều cá bị “ngủ nước” (cá chết trước khi kéo câu lên tàu), “cá phèn” (do ướp đá bị phèn), không biết cách sơ chế nên cá bị dạt, kém chất lượng… Quả thật, Ngư dân Phú Yên thường kéo dài ít nhất 20 ngày, thông thường một tháng. Trong khi đó, phương pháp bảo quản cá trên tàu chỉ đơn giản là dùng đá lạnh.

Ông Biện Minh Tâm, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên thừa nhận, đến nay vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể về đánh giá chất lượng cá ngừ. Nguyên nhân của thực trạng trên là do dịch vụ hậu cần nghề cá ở Phú Yên hầu như chưa có gì, dù Phú Yên là tỉnh có số tàu đánh bắt cá ngừ đại dương lớn nhất cả nước với gần 1.000 chiếc, sản lượng cá ngừ hàng năm cũng nhiều nhất gần 5.000 tấn.

Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên vừa ra đời đầu tháng 3.2009, bước đầu quy tụ những ngư dân, tổ chức, đơn vị hoạt động khai thác, chế biến, với mục đích hợp tác, hỗ trợ nhau về kinh tế, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh.



Nguồn: www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường