Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chất lượng vật tư nông nghiệp: Giật mình vì “phần nổi”
27 | 03 | 2009
Theo cảnh báo của Bộ NN&PTNT, nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp, nông sản, thực phẩm, đặc biệt là nhóm hàng xuất, nhập khẩu không đạt chất lượng, chứa nhiều hoá chất độc hại... Sau 1 năm thực hiện kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, lực lượng chức năng đã phát hiện 40/105 mẫu phân bón (tương đương 40%) không đạt chất lượng như đã công bố, phát hiện 4 cơ sở sản xuất phân bón vi phạm quy định.

Nóng bỏng chất lượng

Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Mặt hàng phân bón hiện đang rất nóng bỏng, càng kiểm tra, càng phát hiện vi phạm. Các mẫu phân bón được lấy hầu hết không đạt tiêu chuẩn công bố, có khi thấp hơn tới cả vài chục lần”.

Theo ông Quảng, trong số hơn 500 doanh nghiệp sản xuất phân bón, có tới 60-70% làm theo công nghệ cuốc, xẻng rất thủ công, gây rối loạn cho thị trường phân bón trên cả nước. Qua kiểm tra Bộ NN&PTNT cũng phát hiện 9 mẫu thuốc bảo vệ thực vật không đạt chất lượng.

Đáng chú ý, 2 mặt hàng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi (TĂCN) có trên 71% mẫu thuốc thú y thuỷ sản nhập khẩu không đạt chất lượng. Ngay cả thuốc thú y sản xuất trong nước cũng có 25% mẫu ở phía Nam và hơn 33% mẫu ở phía Bắc không đạt chất lượng. Đặc biệt, có tới 59% mẫu thức ăn chăn nuôi có chứa vi sinh vật E. Coli và 5% có chứa Salmonella. Về công tác kiểm soát các lò giết mổ gia súc, gia cầm, mới chỉ kiểm soát được 58,1% cơ sở.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, việc kiểm tra chất lượng TĂCN vừa rồi mới chỉ là phần nổi, chúng ta mới khuấy được ở bên trên, còn tại các khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn đang rất nóng bỏng.

Kết quả giám sát năm 2008 trên thịt lợn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh còn cho thấy thực trạng kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được cải thiện, số mẫu có chứa E.Coli vượt giới hạn cho phép còn cao, nghiêm trọng hơn là các chất có thể gây ung thư như Salbutamol và Clenbuterol còn chứa dư lượng trên thịt.

Mối lo xuất, nhập khẩu

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, chất lượng các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản đối với các mặt hàng xuất, nhập khẩu hiện cũng đã xuất hiện rất nhiều mối lo ngại mới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương cho biết: “Lo ngại lớn nhất đối với chất lượng thực phẩm nhập khẩu hiện nay nằm ở biên giới phía Bắc, số lượng hàng hóa như phụ gia và thực phẩm  kém chất lượng được đưa qua đây rất nhiều. Hết Cloramphenicol lại đến Melamine và tới đây không biết là gì. Do đó, thời gian tới, các nhà khoa học cũng nên chú ý vào nghiên cứu khía cạnh này, nghiên cứu và đưa ra những danh mục chất độc hại mới”.

Cũng trong năm 2008, số lô hàng thuỷ sản nước ta bị các nước nhập khẩu cảnh báo vẫn còn tới 84 lô. Hai mặt hàng thanh long và mật ong bị Mỹ và EU “gây khó” do chúng ta không đạt chất lượng như yêu cầu của nước nhập khẩu. Liên quan tới vấn đề này, ông Đậu Ngọc Hào, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng: “Cách làm ăn của chúng ta vẫn còn mang tính “ăn xổi ở thì”, như trong mật ong vẫn còn dư lượng kháng sinh, nên EU họ đã từ chối, may chỉ còn thị trường Mỹ chấp nhận, nếu chúng ta không cải thiện ngay, rất có thể cũng mất nốt thị trường này”.

Về mặt hàng thanh long, theo giải thích của Cục Bảo vệ thực vật là do chúng ta đã “vấp” phải các tiêu chuẩn trong Hiệp định kiểm dịch động, thực vật (SPS) khi các lô hàng thanh long của chúng ta còn nhiều trứng do ruồi đục quả gây nên.



Nguồn: vovnews.vn
Báo cáo phân tích thị trường