Cơ hội đi liền với khó khăn
Theo nhận định của TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, mặc dù kinh tế toàn cầu đang suy giảm, nhưng ngành chăn nuôi nước ta lại có cơ hội để phát triển, vì những lý do sau: Thứ nhất, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN), giá giống giảm, tạo cơ hội lớn để giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước; thứ hai, sản phẩm của ngành chăn nuôi nước ta không phụ thuộc vào xuất khẩu mà chủ yếu tiêu thụ trong nước, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn tăng tương ứng với sự tăng trưởng của nền kinh tế; thứ ba, nhiều địa phương đang thực thi các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá nguyên liệu TĂCN thế giới giảm khoảng 30 đến 40% và trong nước cũng giảm từ 15 đến 25%. Ngược lại giá một số sản phẩm chăn nuôi đứng ở mức cao: Giá thịt lợn hơi dao động từ 32 đến 33 nghìn đồng/kg ở các tỉnh phía bắc và 38 đến 39.000đ/kg ở các tỉnh phía nam; giá lợn giống nuôi thịt từ 75 đến 80.000đ/kg. Giá gà thịt lông màu từ 26 đến 28 nghìn đồng/kg, vịt thịt từ 26 đến 27.000đ/kg; bò thịt 30.000đ/kg thịt hơi, sữa bò tươi bình quân 7.400đ/kg. Trong khi đó, các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm từng bước được kiểm soát. Chính vì vậy, những tháng đầu năm nay chăn nuôi tăng trưởng khá. Tuy nhiên, những người chăn nuôi không khỏi lo lắng vì những bấp bênh của thị trường, thiên tai cũng như dịch bệnh rình rập, là những nguy cơ đe dọa sản xuất; chu kỳ lỗ lãi ngắn. Nếu giá thức ăn tăng thêm từ 10 đến 15% mà giá sản phẩm không tăng thì có thể chăn nuôi gà, lợn sẽ lỗ và nguy cơ người chăn nuôi giảm đàn hoặc để "trống chuồng" là hiển nhiên. Anh Nguyễn Huy Lộc (xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), chủ một trang trại lớn nhận xét: "Giá thịt hơi như hiện nay (32 nghìn đồng/kg) vẫn chưa đạt đến mặt bằng để chăn nuôi có lãi. Chỉ những trang trại chăn nuôi công nghiệp hiện đại, an toàn dịch bệnh và biết hạch toán kinh tế kỹ lưỡng thì mới có lãi". Còn chị Nguyễn Thị Von (xã Phú Phúc, Lý Nhân, Hà Nam), cho biết: "Thịt lợn hơi ở quê tôi hiện chỉ bán được 28 nghìn đến 29 nghìn đồng/kg; giá thức ăn đang có xu hướng tăng trở lại. Như thế, nếu không nhiễm dịch bệnh, một con lợn thịt xuất chuồng (nuôi từ 25 kg, trong ba tháng) sẽ cho lãi khoảng từ 200 đến 300 nghìn đồng; còn nếu giá cám tăng lên nữa, là hòa vốn".
Những năm qua, ngành chăn nuôi đạt được một số kết quả về mức độ tăng trưởng, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp tăng dần, chăn nuôi trang trại, công nghiệp bước đầu hình thành và phát triển. Song vẫn còn bộc lộ những tồn tại, như chăn nuôi ở quy mô nhỏ, phân tán và mang tính tận dụng; giá thành sản phẩm chăn nuôi cao (do giá TĂCN cao hơn từ 10 đến 15% so với các nước trong khu vực, hệ số sử dụng TĂCN thấp, còn chi phí thú y cao); dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường vẫn chưa được kiểm soát tốt, hệ thống thông tin dự báo và khả năng kiểm soát sản xuất, thị trường đối với nguyên liệu và sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bất cập; chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thấp, chưa đáp ứng được xuất khẩu... TS Nguyễn Thanh Sơn nhận xét: Ngành chăn nuôi nước ta đang đối mặt với bốn mâu thuẫn cơ bản là giá TĂCN và nguyên liệu đầu vào cao, trong khi giá đầu ra sản phẩm thấp; giá mua sản phẩm tại chuồng thấp, nhưng giá bán cho người tiêu dùng cao; giá sản phẩm trong nước cao, giá sản phẩm cùng loại ở ngoài nước thấp; phát triển chăn nuôi nhanh, nhưng dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát và ô nhiễm môi trường gia tăng.
Mặc dù vậy, ngành chăn nuôi vẫn đang "nắm giữ" những cơ hội lớn, không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong nước mà còn hy vọng chế biến, xuất khẩu sản phẩm. Với thị trường trong nước, sản phẩm chăn nuôi còn rất nhiều tiềm năng: Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng lên cùng với tập quán tiêu thụ sản phẩm tươi sống. Phát triển chăn nuôi là chủ trương được hầu hết các địa phương ưu tiên đầu tư; chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ giảm dần, chăn nuôi trang trại và công nghiệp có xu thế phát triển. Mới đây nhất là việc vùng Brê-tăng-nhơ (Pháp) và UBND tỉnh Ðồng Nai đã chính thức ký kết hợp tác phát triển ngành chăn nuôi khép kín từ con giống, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Với thị trường xuất khẩu, sản xuất chăn nuôi đang có xu hướng chuyển dịch từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, từ phương Tây sang các nước châu Á - Thái Bình Dương. Châu Á sẽ trở thành khu vực sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm chăn nuôi lớn nhất toàn cầu. Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 của Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp lên khoảng 32% vào năm 2010 (hiện đang chiếm 28%), đến năm 2015 là 38% và đạt hơn 42% vào năm 2020. Lúc đó, ngành chăn nuôi sẽ cơ bản chuyển sang sản xuất theo phương thức công nghiệp, trang trại, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cần những giải pháp mạnh
Rõ ràng, để hạn chế rủi ro về dịch bệnh, chăn nuôi trang trại, công nghiệp là xu thế tất yếu của phát triển ngành chăn nuôi trong tương lai. Thực tế thời gian qua, tất cả những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đều tránh được các "cơn bão" của dịch bệnh. Vì thế, trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, hàng loạt các giải pháp về quy hoạch, tổ chức sản xuất, khoa học công nghệ (con giống, chuồng trại, thức ăn, thú y), chính sách thúc đẩy chăn nuôi trang trại, công nghiệp... đã được chỉ rõ. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai ở các địa phương đã xuất hiện những "rào cản" liên quan các vấn đề đất chăn nuôi, nguồn vốn tín dụng, xây dựng hệ thống giết mổ, tiêu thụ sản phẩm... Do vậy, hơn lúc nào hết, ngành chăn nuôi rất cần những chính sách mạnh, mang tính đột phá của Trung ương và địa phương cho sự phát triển bền vững của ngành như nguồn tín dụng hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ chuyển đổi chăn nuôi (từ chăn nuôi nhỏ lên quy mô lớn hoặc chuyển sang ngành hàng khác), chính sách thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm qua giết mổ tập trung... Theo PGS, TS Nguyễn Ðăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, phải rà soát lại các chính sách phát triển chăn nuôi, rồi đưa ra các chính sách phù hợp và tương thích với nhau thì mới có thể thực thi được đồng bộ và hiệu quả chiến lược của Chính phủ. Chăn nuôi là ngành đòi hỏi khoa học - kỹ thuật rất cao (con giống, thức ăn, thú y, chuồng trại và quy trình chăm sóc), chăn nuôi công nghiệp cần đầu tư lớn (hàng tỷ đồng cho một trang trại) và giá trị hàng hóa do ngành chăn nuôi đóng góp cho xã hội cũng khá lớn (mỗi năm hơn bảy tỷ USD). Vì thế, Nhà nước cần dành nguồn tài chính thỏa đáng cho ngành chăn nuôi. Hiện nguồn vốn Trung ương đầu tư cho chăn nuôi còn quá ít, chưa phù hợp nhu cầu phát triển ngành (theo Cục Chăn nuôi, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ hằng năm cho ngành chăn nuôi thông qua chương trình giống vật nuôi, khuyến nông, khoa học công nghệ... khoảng 140 tỷ đồng/năm so với nhu cầu phát triển là 1.000 tỷ đồng mỗi năm).
Ðể hỗ trợ người chăn nuôi có thêm điều kiện mở rộng quy mô, phát triển sản xuất đạt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành từ 7 đến 8% so với năm 2008, ngoài những chính sách kích cầu Chính phủ (chủ yếu là các doanh nghiệp được nhận), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, chất lượng vật tư chăn nuôi, thú y (nhất là đối với các chất cấm sử dụng) và hiện tượng gian lận thương mại đối với TĂCN, thuốc thú y, con giống. Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa cho công tác dự báo về các yếu tố có ảnh hưởng đến sản xuất và thị trường các sản phẩm chăn nuôi; kịp thời đề xuất và triển khai các giải pháp kiểm soát có hiệu quả đối với sản xuất và thị trường. Ðể kiểm soát giá TĂCN, theo đề xuất của Cục Chăn nuôi, cần đưa thức ăn chăn nuôi vào mặt hàng bình ổn, kiểm soát giá và lâu dài khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực ép dầu thực vật, chế biến bột cá và sản xuất nguyên liệu trong nước làm TĂCN như trồng ngô, đỗ tương, chế biến phụ phẩm; hỗ trợ 30% lãi suất tín dụng cho các hộ chăn nuôi, nhất là hộ trang trại, HTX đầu tư mua con giống, cải tạo nâng cấp chuồng trại phát triển sản xuất và thu mua sản phẩm cho nông dân. Làm được như vậy sẽ tạo đà cho phát triển chăn nuôi một cách bền vững.