Báo cáo của các địa phương cho thấy từ đầu năm đến nay, các nhà máy chế biến thuỷ sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu. Do vậy, các nhà máy chế biến chỉ hoạt động 35-40% công suất thiết kế.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà máy thu mua tôm nguyên liệu cao hơn giá xuất khẩu, đồng thời chấp nhận chịu lỗ để duy trì sản xuất và giữ bạn hàng. Nhiều hộ nuôi phải chịu thua lỗ nặng, bỏ nghề, trong khi đó các doanh nghiệp lại lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu sản xuất.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu thuỷ sản tháng 3 ước đạt 300 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản quý I ước đạt 744 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2008.
Để nâng cao kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản, Bộ khuyến cáo, các doanh nghiệp chú trọng đến sản phẩm xuất khẩu; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường và đề xuất giải pháp xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản có hiệu quả.
Bên cạnh đó, để ổn định nguồn nguyên liệu, các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Trung tâm vùng, các địa phương tăng cường giám sát điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm về dư lượng hóa chất độc hại trong thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản nuôi, sản phẩm thuỷ sản sau thu hoạch.
Mặt khác kiểm tra niêm phong nguyên liệu, thức ăn sản xuất từ nguyên liệu có phát hiện dư lượng melamine của các đơn vị kinh doanh trên địa bàn cả nước.
Do khan hiếm nguồn nguyên liệu nên giá tôm sú nguyên liệu vẫn tiếp tục tăng, cỡ 20-40 con/kg dao động từ 100.000-140.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; giá tôm chân trắng cỡ 50-100 con/kg vẫn giữ ở mức từ 58.000-82.000 đồng/kg.
Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản trong tháng 3 ước đạt 130.000 tấn, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản quý I lên 415.000 tấn, bằng 17,3% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm trước.