Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất Khẩu hạt điều sang Hoa Kỳ - Những bất cập hiện tại và triển vọng năm 2009
01 | 04 | 2009
Theo “Báo cáo Thường niên Thương mại nông Lâm Thủy sản Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2008 và triển vọng 2009” của Trung Tâm Thông Tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (AGROINFO), xuất khẩu ngành hàng điều sang thị trường Hoa Kỳ năm 2008 đã đạt được một số thành công nhất định nhưng năm 2009, ngành điều sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ giảm do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như các khó khăn nội tại ngành.
Hiện trạng xuất khẩu hạt điều sang Hoa Kỳ năm 2008

Việt Nam hiện là một trong những nước có sản lượng điều lớn nhất thế giới với sản lượng nhân điều chế biến hàng năm lên tới hơn 150 nghìn tấn (tương đương 600 nghìn tấn điều thô). Năm 2008, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ trở thành nước cung cấp điều lớn nhất sang thị trường Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung. Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam vào Hoa Kỳ chiếm 33,29% tổng kim ngạch nhập khẩu hạt điều của quốc gia này. Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu điều của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2008 đạt 25,12% với kim ngạch 249,57 triệu USD. Nguyên nhân của tăng trưởng đột biến do cả giá và nhu cầu nhập khẩu hạt điểu của Hoa Kỳ tử Việt Nam tăng nhanh trong 7 tháng đầu năm, (giá điều nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng 32,74% và nhu cầu nhập khẩu tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2007).

Với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 250 triệu USD, hạt điều trở thành mặt hàng đứng thứ 3 trong các mặt hàng Nông Lâm Thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang Hoa Kỳ năm 2008. Và đồng thời với tốc độ tăng trưởng khá tốt (25,12%), hạt điều cũng lọt vào top 15 các mặt hàng có tăng trưởng nhập khẩu sang Hoa Kỳ lớn nhất năm 2008. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu điều sang thị trường này đã bắt đầu có dấu hiệu suy giảm dần. Năm 2008, tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 25,12% trong khi năm 2007 tốc độ tăng trưởng đạt 39,59% và không có hiện tượng tăng giá đột biến như trong 7 tháng đầu năm 2008. Điều này chứng tỏ nhu cầu nhập khẩu điều của Hoa Kỳ từ Việt Nam -giống như các mặt hàng nông sản khác- đang giảm xuống. Tuy bị tụt hạng từ thứ 10 xuống thứ 15 trong xếp hạng các mặt hàng Nông Lâm Thủy sản có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu lớn nhất sang Hoa Kỳ nhưng hạt điều vẫn là một mặt hàng chủ lực đóng góp kim ngạch xuất khẩu khá lớn.



Nguồn: AGROdata

Kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng ngành hàng nhìn thì tăng khá tốt, nhưng thực tế ngành điều Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề do cả khó khăn khách quan lẫn các vấn đề nội tại trong ngành:

Khó khăn khách quan

+ Giá xuất khẩu hạt điều đang giảm mạnh do suy thoái kinh thế thế giới. Tính tới tháng 12/2008, giá đã giảm từ 6.500 USD/tấn xuống còn 4.500 USD/tấn.

+ Vào đầu vụ, doanh nghiệp chế biến điều phải vay vốn thu mua nguyên liệu để dự trữ sản xuất trong năm. Do đó nhu cầu vốn ngân hàng của ngành này khá lớn, từ 8.000 - 8.500 tỷ đồng. Do bán hàng chậm phải chịu lãi suất kéo dài, áp lực trả nợ ngân hàng cũng rất lớn.

+ Do đặc thù kinh doanh, thời gian thanh toán tiền hàng xuất khẩu rất chậm, khiến doanh nghiệp không đủ điều kiện đáp ứng đủ thủ tục để được hoàn thuế. Việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng khiến ngành điều mất đi cơ hội tái sinh nguồn vốn.

Vấn đề xuất phát từ nội tại ngành

+ Giữa năm 2008, các doanh nghiệp nhập khẩu điều nước Anh đã tuyên bố kiện các doanh nghiệp Việt Nam vì thất tín trong việc giao hàng. Trong văn bản của Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm Hoa Kỳ (AFI), họ không kiện, mà chỉ thông báo tên DN Việt Nam chậm giao hàng làm các doanh nghiệp Hoa Kỳ gặp rắc rối. Hợp đồng đã ký từ năm trước, nhưng khi giá điều lên cao, các doanh nghiệp điều Việt Nam đã không giao hàng mà đem bán đi nơi khác lấy giá cao. Sau đó giá nguyên liệu điều thô tiếp tục tăng cao, các doanh nghiệp không đủ sức mua để trả nợ. Doanh nghiệp chế biến điều còn tìm cách dùng keo 502 để… dán hạt điều vỡ. Lô hàng đưa ra nước ngoài, bị nhà nhập khẩu từ chối nhận hàng, hàng bỏ tại cảng, mất mát, hao hụt... Những thiệt hại vật chất do cách làm ăn mất uy tín chưa đo đếm được, nhưng nếu còn diễn ra tình trạng đó, chắc chắn không chỉ Hoa Kỳ mà còn nhiều quốc gia khác sẽ dần giảm nhập khẩu điều từ Việt Nam để chọn các nhà cung cấp uy tín hơn.

+ Người nông dân không còn mặn mà với việc trồng cây điều. Tại các tỉnh trồng điều nhiều như Bình Thuận, Bình Phước, Bình Định... người nông dân đã chặt bỏ cây điều để trồng cây khác, nặng nề nhất là Bình Phước, hàng trăm héc-ta điều đã bị phá bỏ. Theo Bộ NN&PTNT, năm 2010 diện tích cây điều sẽ là 400.000ha chứ không phải là 450.000ha như đã lạc quan trước đây. Trong khi đó, ngành điều rất khó có thể bù đắp nguồn nguyên liệu bằng cách nhập khẩu điều thô, vì phải chịu dựng lãi suất ngân hàng cùng với việc giá cả thị trường bấp bênh.

Triển vọng xuất khẩu hạt điều sang Hoa Kỳ năm 2009

Với những khó khăn hiện tại của ngành điều Việt Nam và tình hình triển vọng kinh tế vĩ mô của Hoa Kỳ năm 2009, AGROINFO dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt nam sang Hoa Kỳ sẽ giảm khoảng 6,61% so với năm 2008 (1). Kim ngạch xuất khẩu điều sang Hoa Kỳ sẽ đạt khoảng 233,07 triệu USD (giảm 16,5 triệu USD so với năm 2008) do những lý so sau đây:

+ Kinh tế Hoa Kỳ khủng hoảng dẫn tới giảm trong nhu cầu tiêu dùng hạt điều của người dân Hoa Kỳ

+ Giá hàng hóa thế giới nói chung giảm làm giảm kim ngạch xuất khẩu trong bối cảnh tiêu dùng cũng giảm



Nguồn: AGROINFO – Ghi chú: (*) Số dự báo

Tuy nhiên, ngoài những yếu tố tác động chính làm ảnh giảm kim ngạch nhập khẩu, tỉ giá hối đoái USD tăng so với VND cũng sẽ khuyến khích Hoa Kỳ nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng nông sản nói chung và làm tăng kim ngạch nhập khẩu hạt điều nói riêng. Giá xuất khẩu giảm cũng sẽ một phần khuyến khích người dân Hoa Kỳ tiêu dùng nhiều hơn. Tổng hợp các tác động trên, theo dự báo, năm 2009, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ chỉ giảm nhẹ (-6,61%) chứ không nhiều như các ngành hàng khác (cao su, thủy sản, gỗ...)
------------------------
(1) AGROINFO xây dựng hàm xuất hạt điều của Việt Nam sang Hoa Kỳ dựa trên lý thuyết kinh tế vĩ mô về tác động của các yếu tố ảnh hưởng tới hàm nhập khẩu của một quốc gia (tăng trưởng, nhu cầu, giá thế giới, tỷ giá hối đoái, lạm phát…) đồng thời kết hợp với các số liệu dự báo phát triển của IMF và World Bank... để đưa ra dự báo triển vọng xuất khẩu hạt điều sang Hoa Kỳ năm 2009.

Xem thông tin về báo cáo tại đây


Nguyễn Quốc Chinh - - Đỗ Kim Oanh (AGROINFO)
Báo cáo phân tích thị trường