Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để góp phần thực hiện thắng lợi dự án trồng mới 5 triệu ha rừng
25 | 06 | 2007
Năm 2005 là năm thứ 7 tỉnh ta thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29-7-1998 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù còn không ít khó khăn về chủ quan cũng như khách quan, song được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cùng với những nỗ lực của các cấp, các ngành, dự án 661 tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch dự án năm 2005.
Công tác trồng và bảo vệ rừng đã đi vào nền nếp là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta nâng độ che phủ của rừng lên 47% vào cuối năm 2006 theo đúng kế hoạch đề ra, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Xác định giống là khâu quan trọng trong phát triển rừng chất lượng mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngay từ quý IV năm 2004, Chi cục phát triển lâm nghiệp đã chỉ đạo các dự án cơ sở chủ động tổ chức sản xuất đủ cây giống với chất lượng tốt nhất để phục vụ kế hoạch trồng rừng. Nhiều giống cây bản địa, đa tác dụng, có khả năng sinh trưởng tốt đã được cung cấp đầy đủ và kịp thời với chất lượng cao hơn hẳn các năm trước. Do đó tiến độ trồng rừng năm 2005 nhanh hơn cùng kỳ năm 2004. Trong năm, toàn tỉnh đã trồng mới được 5.009 ha với tỷ lệ thành rừng đạt 100%, hoàn thành kế hoạch đề ra, nâng độ che phủ của rừng lên 45%. Trong đó, trồng mới rừng phòng hộ là 1.999 ha, trồng mới rừng sản xuất là 3.010 ha.

Những dự án có chất lượng rừng tốt như Dự án 661 Hạ Hoà rừng tốt đạt 70%, Dự án 661 Tam Nông rừng tốt đạt 36%, Dự án 661 Thanh Thuỷ rừng tốt đạt 38%, còn lại đều là rừng trung bình, không dự án nào có rừng xấu...

Năm 2005 là năm thứ tư Phú Thọ thực hiện việc đưa cây keo lai bằng công nghệ mô tế bào vào trồng đại trà trên diện rộng. Độ sinh trưởng tốt của những diện tích rừng trồng mới này một lần nữa khẳng định quyết định đúng đắn mang tính đột phá của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng, đáp ứng yêu cầu và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các lâm trường quốc doanh thuộc Công ty Giấy Bãi Bằng tiếp tục đẩy mạnh thâm canh rừng, ứng dụng tiến bộ KHKT trong khâu tạo giống. Diện tích rừng được trồng bằng cây keo lai, bạch đàn (mô, hom) đã chiếm trên 80% diện tích rừng trồng. Rừng được khoán đến hộ công nhân, nông dân theo phương thức khoán thu sản phẩm cuối cùng, gắn lợi ích của người trồng rừng với người sản xuất nên rừng được đầu tư, chăm sóc, bảo vệ và phát triển tốt, năng suất ước đạt khoảng 100m3/ha sau chu kỳ sản xuất (6-8 năm).

Nhìn chung, công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng có nhiều tiến bộ và tiếp tục được đẩy mạnh, rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, cơ bản chấm dứt nạn phát nương làm rẫy. Rừng khoanh nuôi có diễn thế đi lên dần dần tái tạo thành rừng tự nhiên, nhất là tái sinh rừng nứa... Tuy nhiên, với chủ trương trồng rừng tập trung ở những nơi xung yếu, ưu tiên ở các xã đặc biệt khó khăn nên hiện trường thực hiện trồng rừng thường ở những nơi vùng sâu, vùng xa với cơ sở hạ tầng hết sức khó khăn, dân trí thấp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cũng như chất lượng trồng rừng. Các nguồn vốn đầu tư cho dự án còn hạn chế và việc giải ngân thường chậm. Phần lớn kinh phí cho dự án chỉ trông chờ vào nguồn vốn Nhà nước, chưa huy động được vốn từ dân và chưa có sự đầu tư từ bên ngoài. Công tác chăm sóc rừng chưa thực sự được đầu tư đúng mức, hầu hết các hộ dân chỉ chăm sóc rừng khi nông nhàn...

Để hoàn thành mục tiêu trồng mới 80.000 ha rừng vào năm 2010 theo Nghị quyết số 16 của Ban thường vụ Tỉnh ủy, năm 2006 Dự án 661 tiếp tục có kế hoạch trồng mới trên 5.600 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ là 1.600 ha, rừng sản xuất là 4.000 ha, phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng vụ xuân trước 30-4-2006. Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng rừng bằng các loại cây có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng, phát triển nhanh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của tỉnh như chè Shan, luồng Thanh Hóa, keo lai, bạch đàn..., năm tới tỉnh ta sẽ đưa vào trồng rừng bằng các cây lấy gỗ lớn, đa tác dụng như lim, hông, chò chỉ...; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT trong khâu tạo giống bằng cây mô, hom trên các loài tre trúc chuyên măng; đưa diện tích trồng rừng bằng cây mô, hom lên trên 90% diện tích; đẩy mạnh thâm canh rừng trồng; nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; đưa diện tích trồng rừng phòng hộ đạt loại khá, tốt lên trên 60%. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật trồng rừng, thâm canh rừng, xây dựng các mô hình trình diễn khuyến lâm. Các dự án nhất thiết phải xây dựng được các mô hình mẫu về trồng rừng, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng để tổ chức tham quan học tập và nhân ra diện rộng. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích kêu gọi đầu tư liên doanh liên kết phát triển rừng, chế biến lâm sản với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.



Thanh Khê (Báo Phú Thọ)
Báo cáo phân tích thị trường