Thời gian qua, XK thủy sản gặp khó do “nội công, ngoại kích” khi trong nước người dân “treo” ao không có nguyên liệu chế biến, còn XK thì đối mặt với nguy cơ mất thị trường.
Khó
Tại Cụm công nghiệp Mỹ Quý, TP Long Xuyên (An Giang) sớm chiều trước cổng các nhà máy không còn cảnh người xe nhộn nhịp như trước. Nhiều công nhân cho biết từ đầu năm tới nay nhà máy thường ngừng sản xuất khiến họ nghỉ việc liên tục.
Nhiều nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang… cũng trong cảnh tương tự. Số công nhân bộ phận philê nghỉ việc dài dài, chỉ có bộ phận kho và tạo hình làm việc lai rai và công việc của họ chủ yếu là lấy hàng trong kho trữ để gia công. “Nhà máy cố gắng hoạt động để giữ công nhân, để vận hành máy móc, thiết bị khỏi bị hư hại” - một DN tại Đồng Tháp cho biết.
Giảm nhưng không quá lo Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN, quý 1-2009 XK thủy sản VN đạt 166.695 tấn với giá trị 579,26 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó chỉ có tháng 2 XK tăng so với cùng kỳ, còn tháng 1 và tháng 3 giảm mạnh. Tháng 2-2009, cả nước XK được 68.212 tấn thủy sản các loại, đạt kim ngạch 232,1 triệu USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Theo các DN, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến hoạt động XK thủy sản. Châu Âu vốn là thị trường tiêu thụ lớn nhất song sức mua giảm mạnh. Nga là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai nhưng từ cuối năm 2008 cũng đã giảm dần. Ông Doãn Tới, tổng giám đốc Công ty CP Nam Việt (Navico), cho biết: “Khoảng 70% sản phẩm cá tra, ba sa của Navico XK sang Nga. Khi họ ngưng nhập chúng tôi gặp không ít khó khăn”. Hầu hết các nhóm sản phẩm chủ lực đều giảm mạnh về khối lượng và giá trị. Ảnh hưởng nhiều nhất là các mặt hàng có giá trị cao như cá hồi, mực, tôm đông lạnh… Các DN chế biến tôm đã mất 61 thị trường trong những tháng đầu năm, các thị trường truyền thống thì giảm về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, thị trường Đài Loan giảm 80%, Nhật, Mỹ, EU giảm lần lượt là 16%, 48% và 35%.
Ông Trần Văn Lĩnh, tổng giám đốc Công ty CP thương mại và thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng), cho biết trong hai tháng đầu năm 2009, khối lượng XK của công ty giảm 10% và giá trị XK giảm 10-20%. Các mặt hàng có giá trị cao cung cấp cho các nhà hàng như tôm cỡ lớn, cá ngừ, cá bò… giá giảm mạnh hơn, từ 20-30%. Ví dụ, giá cá bò xuất sang Tây Ban Nha giảm từ 5,5 USD/kg xuống còn 4 USD/kg. Trong khi đó, ông Trần Văn Dũng - tổng giám đốc Công ty Thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu (Basefood) - cho biết hầu hết khách hàng đều chuyển sang chọn hàng giá rẻ để mua.
Vượt khó
Sau khi XK vào châu Âu suy giảm, Công ty TNHH An Xuyên tập trung phát triển thêm thị trường châu Á, nhờ đó có được nhiều hợp đồng mới. “Châu Á vốn đông dân, có lợi thế gần về địa lý, chi phí vận chuyển thấp hơn. Đây là thị trường rất tiềm năng” - ông Phan Thanh Tuấn, trưởng phòng kinh doanh, nhận định.
Ông Trần Văn Lĩnh cho biết thị trường cần gì, DN đáp ứng ngay. “Thị trường giảm tiêu thụ tôm cỡ lớn, công ty liền đáp ứng nhu cầu tôm cỡ nhỏ. Mặt hàng giá trị cao cũng được giảm bớt để chuyển sang mặt hàng giá trị vừa phải.Hàng cho siêu thị nhiều hơn sản phẩm phục vụ các nhà hàng cao cấp” - ông Lĩnh nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN, dù khó khăn nhưng sản phẩm cá tra, ba sa VN vẫn có lợi thế riêng do cá tra, ba sa vốn được ưa chuộng, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo.
Mới đây Navico đã cho hai nhà máy Nam Việt và Thái Bình Dương hoạt động trở lại, còn hai nhà máy ở Thốt Nốt (Cần Thơ) phải nâng công suất chế biến. Theo ông Doãn Tới, công ty vừa có thêm đơn hàng từ Trung Đông và Nam Mỹ. Nhiều DN đa dạng hóa sản phẩm bằng cách sản xuất hàng giá trị gia tăng. Đơn cử, Công ty Gepimex 404 (Cần Thơ) vừa xuất gần 300 tấn chả cá surimi qua Hàn Quốc, Hong Kong… Ngoài ra họ tận dụng phụ phẩm để sản xuất mỡ, dầu, glycerin, gentaline…
Nỗ lực từ thị trường Nga
Người nuôi cá còn chần chừ Ông Dương Tấn Lộc, chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, nhận định: “Chi phí đầu vào vẫn còn cao, tín dụng còn khó, giá mua cá chưa đảm bảo bà con có mức lãi ổn định nên bà con còn treo ao”. Còn theo Cục Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT), đầu năm 2009 tỉ lệ hộ nuôi cá tra bỏ ao là 30-50%, số còn lại tuy còn nuôi nhưng thả giống mật độ thưa. Dự báo quý 2-2009 sản lượng cá nguyên liệu giảm 50% so với năm 2008. |
Một tin vui là thị trường Nga đã chuẩn bị mở cửa trở lại với nhiều tiềm năng hơn trước. Theo ông Dương Ngọc Minh - trưởng ban điều hành XK cá tra VN, giá trị XK thủy sản VN vào thị trường này không chỉ dừng lại ở 200 triệu USD/năm như hiện nay mà có thể lên tới 500 triệu USD/năm. “Nga mới chính là thị trường thủy sản lớn nhất của VN chứ không phải là Nhật Bản, Mỹ hay EU” - ông Minh khẳng định.Hơn nữa, cá tra VN sẽ trở thành “hàng kèm”, tức là sẽ kèm việc bán cá tra với các mặt hàng thủy sản khác khi XK sang Nga. Ông Minh giải thích: “Chúng tôi đã đàm phán với các đối tác Nga rằng nếu DN nào muốn mua nhiều cá tra thì phải mua thêm các loại hải sản khác”. Vì vậy, không riêng cá tra, nhiều mặt hàng khác như hàng khô, surimi… cũng có cơ hội rất lớn để XK vào thị trường Nga. Mỗi năm, chỉ riêng Công ty CP Thái Lan đã xuất vào thị trường này 200 triệu USD tôm sú.
Trước đó, Brazil - thị trường lớn nhất Nam Mỹ - đã thông báo danh sách 60 DN thủy sản VN đủ điều kiện XK trực tiếp vào thị trường này. Từ trước tới nay Brazil thường nhập khẩu thủy sản của VN qua trung gian.