Tại cuộc tọa đàm này, một số doanh nghiệp FDI cho rằng, Chính phủ đã có những biện pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này. Về những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp FDI, có đến 8/13 ý kiến nêu ra tại tọa đàm than phiền về thủ tục hải quan.
Các doanh nghiệp FDI cũng đã nêu nhiều kiến nghị về chính sách thuế xuất, nhập khẩu, xúc tiến thương mại, thủ tục hải quan, chính sách tiền tệ,... theo hướng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm bớt thời gian, chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Giải đáp băn khoăn của các doanh nghiệp FDI về các giải pháp lớn của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất tại Nghị quyết số 30 của Chính phủ, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, doanh nghiệp FDI là một bộ phận cấu thành nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp FDI cũng được quan tâm bình đẳng như những doanh nghiệp khác. Những phản ánh, đề xuất của doanh nghiệp FDI là phù hợp tình hình hiện nay. Bộ Công thương sẽ cùng các bộ, ngành chức năng ghi nhận để giải quyết ngay các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp trong khả năng của mình, những vấn đề nằm ngoài thẩm quyền, Bộ Công thương sẽ kiến nghị với Chính phủ giải quyết.