Theo đó, cho vay với lãi suất 0% đối với các DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế phải giảm số lao động hiện có từ 30% trở lên hoặc từ 100 lao động trở lên (không kể lao động thời vụ có thời hạn 3 tháng), không có khả năng thanh toán tiền lương, đóng BHXH và trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho số lao động đã giảm... Thế nhưng, đến nay tại Hà Nội chưa có DN nào được nhận khoản vay với mức lãi suất hỗ trợ bằng 0%.
Theo bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, sau khi có Thông tư hướng dẫn, Sở đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn chưa có DN nào đến làm thủ tục. Sở cũng đã quyết định khảo sát thí điểm 2 DN là Công ty cổ phần sứ Viglacera Thanh Trì và Công ty cổ phần cơ khí 120 (quận Hoàng Mai), được coi là những DN chịu ảnh hưởng lớn của suy giảm kinh tế. Kết quả, cả hai công ty này đều không đạt điều kiện để được vay ưu đãi lãi suất 0%. Cụ thể, Công ty sứ Thanh Trì đáp ứng đủ tiêu chí 100 lao động nhưng không sa thải lao động mà chỉ cho nghỉ việc tạm thời trong lúc khó khăn; do đó không đúng đối tượng được vay. Còn Công ty cổ phần cơ khí 120 dù đã chính thức cho hơn 100 lao động nghỉ việc, nhưng không đủ điều kiện sa thải 100 lao động trong năm 2009, do khi sản xuất gặp khó khăn vào cuối năm 2008 công ty đã sa thải 70 lao động trong tổng số gần 300 lao động đang làm việc, sang đầu năm 2009 cho thôi việc tiếp hơn 30 lao động. Vì vậy, sau khi tìm hiểu về khoản vay ưu đãi, công ty cũng đành... rút lui.
Theo thống kê, TP Hà Nội có 367 DN đóng trên địa bàn báo cáo về tình hình mất việc làm. Riêng năm 2008 có 25.000 lao động mất việc. Ước tính số lao động thiếu việc trong 3 tháng đầu năm 2009 là 9.000 lao động. Như vậy, số lao động mất việc làm chủ yếu rơi vào năm 2008 nên sẽ không thuộc diện được vay vốn ưu đãi theo Quyết định 30. Theo bà Phương, để chính sách có hiệu quả nên mở rộng đối tượng như hỗ trợ lao động bị mất việc năm 2008 chứ không chỉ bó hẹp trong năm 2009.