Theo các chuyên gia, thương hiệu là tài sản đặc biệt và vô giá đối với từng DN, là động lực, yếu tố quyết định sức mạnh không chỉ của mỗi DN mà còn góp phần khẳng định sức mạnh của một nền kinh tế. Đặc biệt quan tâm tới vấn đề này, Chính phủ đã quán triệt việc nghiên cứu, xác lập thương hiệu quốc gia nhằm tôn vinh sản phẩm, uy tín của DN, từ đó thúc đẩy xuất khẩu và hợp tác đầu tư với đối tác quốc tế, khẳng định sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam. Từ năm 2003, Chính phủ đã ban hành Chương trình thương hiệu quốc gia với những mục tiêu cụ thể: xây dựng hình ảnh về Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao; nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, tăng sự nhận biết của nhà phân phối và người tiêu dùng đối với sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. DN được khuyến cáo xây dựng thương hiệu gắn với các giá trị "chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực lãnh đạo"; đây được coi là 3 chân kiềng để làm nên thương hiệu quốc gia. Các chương trình xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu đồng thời quảng bá thương hiệu cũng ngày càng được quan tâm thỏa đáng, riêng năm 2008 đã đầu tư hơn 80 tỷ đồng cho chương trình này. Năm nay, Bộ Công thương triển khai đợt 1 với số vốn hơn 62 tỷ đồng, đợt 2 gần 66 tỷ đồng, đồng thời đang xét duyệt đợt 3 nhằm thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu cho cộng đồng DN. Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết, các DN sẽ được hỗ trợ để nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, phát triển và bảo vệ thương hiệu…
Trong thư gửi cộng đồng DN nhân ngày Thương hiệu Việt Nam năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Chương trình thương hiệu quốc gia nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, tạo uy tín vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, chương trình đã thu hút được sự tham gia rộng rãi và thiết thực của cộng đồng DN, giúp cho các DN có được những kiến thức cần thiết trong quá trình xây dựng, tạo lập thương hiệu, hỗ trợ cho doanh nhân điều kiện pháp lý để đăng ký và bảo vệ thương hiệu của mình. Nhờ đó, bước đầu một số hàng hóa, sản phẩm dịch vụ của Việt Nam đã tạo được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thủ tướng yêu cầu từng ngành, DN, doanh nhân phải thường xuyên chăm lo và có những hoạt động thiết thực để xây dựng thương hiệu cho chính ngành mình, DN mình và thương hiệu quốc gia, giữ gìn được những giá trị về chất lượng, uy tín và sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm dịch vụ Việt Nam...