Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kích hoạt từ kho lúa
21 | 04 | 2009
Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm cung cấp mười triệu tấn lúa cho xuất khẩu, nhưng gần như chưa có kho trữ. Hậu quả là gạo xuất khẩu chất lượng kém. Chính phủ vừa công bố chương trình xây dựng hai triệu mét vuông kho trữ. Nhưng xây như thế nào, ai xây đang là chuyện được bàn tán nhiều ở đồng bằng.

Bàn chuyện xây kho

“Phải sớm chấm dứt tình trạng mua lúa ướt, xay chà, lau bóng rồi sấy. Lâu nay, các doanh nghiệp chỉ mua gạo lứt, lau bóng, vô bao xuất khẩu. Cách làm này khiến chất lượng gạo xuất khẩu tệ hơn gạo nội địa”, ông Nguyễn Thể Hà, chuyên viên kinh tế – kỹ thuật công ty TNHH cơ khí công – nông nghiệp Bùi Văn Ngọ nói. “Chính vì vậy, khi chúng ta thành cường quốc xuất khẩu gạo nhưng gạo đâu có tên tuổi, thương hiệu...”, ông Bảy Tiêm, giám đốc công ty Việt Phong, An Giang có kinh nghiệm làm gạo từ năm 1986 nhận xét.

 Theo ông Hà, chỉ cần gói hỗ trợ trung và dài hạn làm kho lúa khoảng 3.000 – 4.000 tỉ đồng tình hình này sẽ được cải thiện. Và ngay khi triển khai chương trình xây kho tồn trữ, cũng nên xác định đây là kho lúa hay kho gạo”. Nếu là kho gạo thì chỉ có doanh nghiệp thu mua gạo lứt hưởng lợi. Kho lúa thì nông dân có thể tham gia và các loại hình dịch vụ tồn trữ sẽ phát triển.

Ông Bảy Tiêm khẳng định: “Xây kho là có lợi”. Kho giúp cho chương trình xuất khẩu gạo và người điều hành an ninh lương thực quốc gia biết trong tay có bao nhiêu gạo, tồn kho ở đâu. Năm ngoái, lúa vẫn còn mà ai cũng sợ trách nhiệm an ninh lương thực nên ngừng xuất khẩu, dân không biết chứa ở đâu, giá lúa có lúc tụt xuống dưới 2.000đ/kg.

“Vấn đề là làm kho ở đâu và ai đầu tư, đầu tư như thế nào? Tui tham quan một chợ đầu mối, người ta chọn một chỗ cách quốc lộ cả chục cây số, kênh đào chút chéo, cầu chịu tải sáu tấn, ghe lụn vụn như tàu ba lá thì làm sao vận chuyển? Nội chuyện bốc lên bốc xuống cũng tốn phí  rồi thì ai vô chợ. Làm cái kho tồn trữ phải tính giao thông vận chuyển, kẹt đường bộ thì chở theo đường thuỷ chứ không thể vác cả chục cây số”, ông Tám Công, chủ nhiệm HTX Thành Công nhận xét.

Huy động sức dân?

Ông Bảy Tiêm băn khoăn: “Làm hai triệu mét vuông kho, phải tính thêm vốn trong dân”. Hiện nay nhiều người muốn xây kho nhưng chỉ có phân nửa vốn, muốn vay tiền  ngân hàng thì được ngân hàng trả lời rằng họ cũng không chắc có được tham gia tài trợ xây kho theo chương trình Chính phủ hay không.

Theo ông Bảy Tiêm, trước 1975, khi có hàng hoá hoặc có kho muốn dự trữ chỉ cần có vốn tương đương 30 – 40% nhu cầu, phần còn lại ngân hàng cung cấp – có bộ phận quản lý. Muốn xuất hàng phải có chữ ký ngân hàng. Nếu làm cách đó và vận động bốn nhà để làm kho gần vùng lúa, thương cảng hoặc đầu tư kho có hệ thống sấy, xay xát, đóng gói liên hoàn giao tới cảng, thậm chí có dây chuyền trích ly dầu cám, phân loại nguyên liệu thức ăn gia súc, sử dụng năng lượng trấu để vận hành, thì giá thành gạo sẽ giảm xuống, chất lượng gạo cao hơn…

Ông Lưu Kiến Minh, phó giám đốc công ty Ngọc Trân, từng làm việc ở ngân hàng Mekong (ngân hàng tư nhân trước năm 1975) chia sẻ kinh nghiệm từ việc cho chành vay vốn làm gạo. “Chành là một tổ hợp. Cách quản lý của họ là giải quyết nguồn hàng, thu gom, xay xát, kho chứa, điều vận và kinh doanh hàng ngày. Hoạt động của chành  bao giờ cũng gắn với dịch vụ kho và chành vận tải. Cách liên kết này giúp cho chành giữ sự ổn định vòng quay vốn và chữ tín...”. Nhưng hiện nay, các chành đầy đủ vai trò như vậy không còn…



Nguồn: www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường