Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thời điểm tốt cho các nhà bán lẻ vào Việt Nam
21 | 04 | 2009
Giám đốc điều hành TNS nói giá bất động sản và xây dựng đang giảm, do vậy đây là thời điểm tốt để các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế đang khiến cho dòng đầu tư toàn cầu cũng như vào Việt Nam có nguy cơ sụt giảm, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu (TNS) Ralf Matthaes nhận định đây là thời điểm tốt để các nhà bán lẻ nước ngoài vào thị trường này.

“Nếu bạn là một nhà bán lẻ nước ngoài, thì đây là thời điểm hoàn hảo để vào thị trường Việt Nam. Giá bất động sản và xây dựng đang giảm, do vậy đây là thời điểm tốt để ký các hợp đồng thuê bất động sản dài hạn,” ông Ralf Matthaes nói.

Trong cuộc phỏng vấn bên lề hội thảo Việt Nam-EU về “Xây dựng thương hiệu trong thời kỳ kinh tế giảm phát” ngày 20/4 tại Hà Nội, ông Ralf Matthaes đưa ra nhận định rất khả quan về sức mua của thị trường Việt Nam.

“Ở Việt Nam, người dân vẫn đang tiêu dùng nhiều hơn so với năm ngoái. Những gì chúng tôi thấy là sức mua trong những năm qua tăng đều khoảng 20%, như vậy nếu năm nay tiêu dùng có giảm 7% thì so với 2 năm trước vẫn tăng trưởng,” ông Matthaes nói.

Giám đốc điều hành TNS đưa ra số liệu nghiên cứu cho thấy hiện nay người tiêu dùng giàu có chiếm hơn 30% tổng số cư dân thành thị Việt Nam. Cách đây 10 năm, khi TNS bắt đầu nghiên cứu thị trường Việt Nam, con số này chỉ là dưới 5%.

Trong khi đó, GDP của Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng 4 năm qua. Người dân có nhiều tiền hơn và Việt Nam không chịu ảnh hưởng trầm trọng từ khủng hoảng tài chính thế giới như các quốc gia khác.

Việt Nam cũng đang trải qua thời kỳ tăng trưởng hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) nhanh nhất ở châu Á, với mức tăng trưởng 19% năm 2008, so với Trung Quốc 16%, Malaysia 11% hay Philippines 8%.

Tháng 6/2008, Công ty Tư vấn Quản lý toàn cầu A.T Kearney đã công bố kết quả điều tra thường niên về các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, theo đó, lần đầu tiên Việt Nam đã vượt qua các “đối thủ” của năm 2007 là Ấn Độ, Nga và Trung Quốc để dẫn đầu danh sách thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới trong năm 2008.

Phát biểu tại hội thảo, ông Matthaes cho rằng để đảm bảo lợi nhuận và danh tiếng trong bối cảnh kinh tế suy thoái, các nhà bán lẻ nhất thiết không được cắt giảm chi tiêu cho việc quảng bá, cắt giảm chi phí thông qua giảm chất lượng hay giảm giá sản phẩm vì nó sẽ làm xói mòn tinh hoa nhãn hiệu và rất khó tăng giá sản phẩm khi thời điểm suy thoái qua đi.

“Hãy dùng những cách thức quảng cáo khác đỡ tốn kém hơn, như internet, để nói chuyện với khách hàng, để hiểu những nỗi sợ hãi hay những gì khiến khách hàng dè dặt khi chi tiêu, từ đó có một thông điệp phù hợp khiến họ tin vào chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm,” Giám đốc điều hành TNS khuyến nghị.

Hội thảo “Xây dựng thương hiệu trong thời kỳ giảm phát” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đồng tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vấn đề xây dựng thương hiệu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thông qua chia sẻ kinh nghiệm với chuyên gia quốc tế.



Nguồn: VietnamNet+
Báo cáo phân tích thị trường