Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), kích cầu vào nông nghiệp sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng GDP cả nước. Kích cầu 1% GDP cho nông nghiệp sẽ làm tăng GDP cả nước lên 1,2%. Thêm nữa kích cầu vào nông nghiệp sẽ làm tăng 1,6% thu nhập cho một hộ nông dân và tạo thêm ít nhất 1 triệu việc làm. Trên thực tế, trong năm 2008, dù phải chịu sức ép rất lớn từ khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng nông nghiệp vẫn là ngành duy nhất vượt kế hoạch với giá trị sản xuất tăng 5,6%.
Tăng diện tích lúa; giữ nguyên cà phê, cao su
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, "đầu ra" của các sản phẩm nông sản và thực phẩm thiết yếu vẫn rất thuận lợi, xuất khẩu nhiều và đang có lãi. Vì vậy, đến thời điểm này cần tăng diện tích sản xuất lúa lên 7,3 triệu héc-ta. Đồng thời, phấn đấu xuất khẩu gạo đạt 5 triệu tấn trở lên. Đối với các mặt hàng đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ như: cà phê, cao su, chè... nên giữ nguyên diện tích như hiện nay và tập trung vào việc chăm sóc. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu, Bộ NN&PTNT đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể như: hỗ trợ kinh phí bơm, tát nước cho 400.000ha lúa hè thu ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với mức 500.000 đồng/ha. Đối với nông dân làm vụ lúa 3 ở ĐBSCL sẽ được hỗ trợ 50% chi phí mua giống tương đương với 1 triệu đồng/ha, với diện tích hỗ trợ từ 450.000 - 500.000ha. Với bà con nông dân ở các tỉnh phía Bắc, nếu như làm vụ Đông sẽ được hỗ trợ tiền để mua 50% lượng cây giống/ha, số diện tích hỗ trợ lên đến 600.000ha. Ngư dân sẽ được hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay thương mại để hoán cải tàu thuyền có công suất từ 50 mã lực trở lên chuyển đổi từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ.
Bộ NN&PTNT đề nghị giữ mức thuế xuất khẩu cao su hiện tại là từ 0-5% và giảm 50% mức thuế nhập khẩu hiện hành đối với các mặt hàng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị cho phép đảo nợ, khoanh nợ đối với các khoản nợ đã đến hạn thanh toán cho các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình. Nhưng trước mắt ưu tiên cho các cơ sở giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn như: làng nghề chuyên sản xuất mây, tre giang đan, cói, chế biến lâm sản, sơn mài, chế biến lương thực thực phẩm, dệt kim.
Kỳ vọng và giải pháp
Gói kích cầu 58.333 tỷ đồng nhằm đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, mua máy móc, thiết bị phục vụ cho nông nghiệp. Cụ thể tăng vốn đầu tư cho thủy lợi, đê điều, kênh mương từ mức 4.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng. Để đạt kết quả cao, Bộ NN&PTNT yêu cầu đầu tư dứt điểm các công trình đang xây dựng và nhanh chóng đưa các công trình thuộc nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ vào sử dụng. Hiện nay, khu vực ĐBSCL mới có 750 trạm bơm, vì vậy, sẽ đầu tư 2.286 tỷ đồng để xây dựng thêm 1.890 trạm bơm (2 năm 2009-2010 cần chi ngay 821 tỷ đồng để xây dựng 681 trạm bơm). Đồng thời, đầu tư 39.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2010-2020 để xây mới hệ thống kho chứa 2,8 triệu tấn lúa gạo và nâng cấp kho chứa 0,6 triệu tấn, mua máy móc thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất. Riêng năm 2009 đề nghị dành 100 tỷ đồng để nâng cấp tất cả các kho chứa hiện có...
Bộ NN&PTNT kiến nghị bố trí đủ vốn để xây dựng Trung tâm quốc gia về giống hải sản, đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, các khu neo đậu tránh, trú bão, cảng cá... với nguồn vốn khoảng 500 tỷ đồng. Ngoài ra đề nghị Chính phủ bổ sung 1.460 tỷ đồng cho trồng rừng theo kế hoạch của năm 2009. Riêng các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại địa bàn còn nhiều khó khăn, đề nghị miễn thuế trong 4 năm và duy trì mức thuế suất là 10% trong thời gian hoạt động. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ giá nông sản, cho nông dân vay tiêu dùng với lãi suất thấp, trả chậm mua các loại vật liệu xây dựng để xây dựng nhà cửa, mua đồ gỗ nội thất, trợ cấp gạo cho nông dân bị thiên tai, thiếu lương thực cục bộ.
Tại buổi làm việc về vấn đề kích cầu nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các cục, vụ trực thuộc cần đưa ra đề xuất và giải pháp cụ thể hơn, đối với từng lĩnh vực trong ngành. Dự kiến gói kích cầu này sẽ chính thức được hoàn thiện vào cuối tháng 4 để trình Chính phủ phê duyệt phương án, hạng mục.