Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khốn đốn vì mưa đầu mùa
11 | 05 | 2009
Mới bắt đầu thu hoạch được một tuần, nhưng giờ đây bảy sào rau của ông Lịch ở thôn Viên Nội, xã Vân Nội, huyện Đông Anh đã tan hoang. Chỉ qua một cơn mưa lớn đầu tiên của mùa hè nhưng cơn ác mộng của những người trồng rau các huyện ven đô cách đây nửa năm đã tái hiện

Hà Nội: tan hoang vườn rau

Nếu như trong nội thành, trận mưa ngày 7 và 8.5 vừa qua gây nên tình trạng tắc nghẽn, ngập úng cục bộ trong một buổi sáng thì với bà con nông dân hậu quả còn lớn hơn rất nhiều. Theo khảo sát của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, diện tích trồng rau tại Đông Anh, Mê Linh, Thanh Trì, Gia Lâm đều bị thiệt hại. Nhiều gia đình như Trần Thị Duyên, huyện Thường Tín (Hà Tây) gần như mất trắng các loại rau ăn lá như cải, dền, muống và cà chua. Duyên kể lại: “Mất bảy tiếng đồng hồ từ 8 giờ sáng tới tận 4 giờ chiều nước trên các ruộng rau mới thoát hết. Đấy là nhà tôi ở chỗ cao chứ nhiều nhà phải dùng máy bơm để hút nước mới cứu được ít nhiều”.

Sau những thiệt hại do thiên tai năm ngoái, đa số các hộ trồng rau ven đô đều vay vốn ngân hàng để nhanh chóng trở lại sản xuất. Khoảng từ tháng 1.2009, các loại rau như cải, cà chua, mướp, bí… bắt đầu được gieo trồng vụ mới để tới thời điểm này có thể thu hoạch. Nhưng theo đánh giá chung của người nông dân, năm nay trồng rau sẽ còn khó khăn hơn năm ngoái. “Trận mưa vừa rồi có cả mưa đá và lốc xoáy, gió lại mạnh nên mới gây ra thiệt hại lớn. Mấy tháng tới lại mưa thế này thì tình hình thu hoạch sẽ không thể tốt được”, bà Lê Kim Thịnh ở Gia Lâm lý giải. Khu vực Gia Lâm nhà bà Thịnh và Đông Anh có mưa đá nên loại rau ăn lá rách nát rất nhiều.

Vừa dựng lại cọc tre, ông Lịch ở Vân Nội vừa cố gắng nhặt nhạnh những quả mướp đắng đã chín và chưa bị hỏng. Mấy năm nay kinh tế nhà ông tạm ổn nhờ bảy sào rau sạch ông ký hợp đồng cung cấp cho một siêu thị ở Hà Nội. Nhưng sau đợt mưa tháng 11.2008 và giờ lại tiếp cơn mưa này khiến ông “không kịp ngửng mặt khỏi ruộng rau”. Ông Lịch không giấu nổi sự lo lắng: “Tôi đã tính lứa rau năm nay nếu thu hoạch tốt có thể vừa trả bớt một phần vốn vay ngân hàng vừa có tiền dựng nhà lưới cho rau. Nhưng thế này thì…”.

Trao đổi với Trần Văn Chung, cán bộ khuyến nông xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, được biết trận mưa vừa qua nằm ngoài mọi dự đoán của người dân và các chuyên gia nông nghiệp. “Năm nào chúng tôi cũng có mời bà con tới họp bàn kế hoạch phòng chống thiên tai theo từng mùa, đặc biệt sau đợt mưa lớn năm ngoái, cán bộ cũng như bà con càng rất cảnh giác. Nhưng đúng là cơn mưa vừa qua quá bất ngờ, nhìn đá phá nát các luống rau của bà con mà chúng tôi cũng xót xa”. Theo Chung, kinh nghiệm cho thấy những gia đình trồng rau trong nhà lưới kiên cố thì tránh được thiệt hại. Nhưng để dựng một khu nhà lưới chắc chắn, chi phí cũng phải vài chục triệu đồng. Với người nông dân số tiền đó không hề nhỏ.

Đà Lạt: giá rau tăng đột biến, nông dân vẫn buồn

Đã hơn một tuần qua, thị trường rau của Đà Lạt luôn biến động và tăng giá liên tục, trong đó không ít loại rau có giá tăng đột biến. Cụ thể, một số mặt hàng như rau súp lơ xanh có giá bán tại ruộng lên đến 7.000đ/kg, tăng gấp đôi so với một tuần trước đó; rau cuarôn có giá 3.700đ/kg (tăng hơn 2.000đ), rau bó xôi, cải cúc (tần ô) có giá 7.500 – 8.000đ/kg (tăng 6.000 – 6.500đ), đây cũng hai loại rau có mức giá đạt kỷ lục từ trước đến nay. Riêng khoai tây đã đạt giá 8.000đ/kg, tăng hơn 2.000đ, còn hành tây trước đó một tuần có giá bán 5.300đ nay lên 6.000đ/kg. Đặc biệt, rau xà lách lôlô trồng trong nhà kính có giá bán lên đến 18.000đ/kg, trong khi lôlô trồng ngoài trời có giá 8.000 – 10.000đ/kg, tuy nhiên loại này đã hút hàng; còn ớt ngọt nhiều màu trước đây có giá 17.000đ nay cũng đã lên đến 29.000đ/kg.

Theo ông Dương Ngọc Đức, trưởng phòng kinh tế TP Đà Lạt cho biết, nguyên nhân rau tăng giá là do trong tháng 4 vừa qua trên địa bàn đã xuất hiện những đợt mưa kéo dài nhiều ngày, làm một số diện tích rau của nhà vườn ở Đà Lạt, đặc biệt là vùng rau Đức Trọng, Đơn Dương bị ngập và hư hại nặng. Trong khi nhu cầu về rau của thị trường trong nước đang gia tăng, rau xuất khẩu đang “ăn” mạnh đã làm cho giá các loại rau cũng tăng theo.

Tuy giá rau tăng, nhưng nhiều nông dân vẫn buồn vì không có rau để bán, chưa kể không ít người do không biết thông tin nên vừa bán xong thì giá rau đã tăng từ 3 – 5 lần. Nguyễn Vinh (khu phố 3, phường 7, TP Đà Lạt) cho biết: “Cách đây hai tuần tôi mới bán tháo vườn bó xôi 3,5 triệu đồng, nhưng đến đầu tháng 4 có giá lên đến hơn 9 triệu đồng… Cũng cùng diện tích đó, thời điểm này phải bán được trên 30 triệu đồng”. Nằm sát cạnh vườn Vinh, Vương Đình Sơn thổ lộ: “Vườn tần ô nhà tôi mới gieo hạt chưa được ba tuần, vốn bỏ ra rất ít nhưng có người đã đặt mua với giá 10 triệu đồng nên tôi bán ngay”. Cũng theo Sơn, hiện nay cứ gieo một lạng hạt rau tần ô vừa nẩy mầm là các thương lái sẽ đặt mua với giá 1 triệu đồng, tuy nhiên do mưa nhiều nên cũng không ít nhà đã thất thu từ rau.

Một số vựa sơ chế rau xuất khẩu ở Đà Lạt cho biết, vì lo sợ thiếu hàng xuất khẩu theo hợp đồng, nhiều người đành phải mua bắp sú non tại vườn với giá từ 4.500 – 5.000đ/gốc, tuy nhiên nếu thời tiết tiếp tục mưa như hiện nay thì việc canh tác của nhà vườn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, và giá rau cũng sẽ tiếp tục tăng cao chưa có điểm dừng.



Nguồn: www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường