Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn
03 | 08 | 2007
Ngành nông nghiệp Việt Nam được hình thành từ những ngày mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - năm 1945. Đây là một trong những ngành đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế quốc dân. Trải qua 60 năm thăng trầm và phát triển cùng nền kinh tế của đất nước, dù trong bất kỳ thời điểm nào, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn xứng đáng với niềm tin mà Đảng và nhân dân dành cho để hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu, phù hợp với xu thế của từng giai đoạn

 

 

* Quá trình hình thành và phát triển

Ngành nông nghiệp Việt Nam được hình thành từ những ngày mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - năm 1945. Đây là một trong những ngành đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế quốc dân. Trải qua 60 năm thăng trầm và phát triển cùng nền kinh tế của đất nước, dù trong bất kỳ thời điểm nào, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn xứng đáng với niềm tin mà Đảng và nhân dân dành cho để hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu, phù hợp với xu thế của từng giai đoạn.

Giai đoạn 1945-1975 đất nước ta vẫn còn bị chiến tranh chia cắt, xuất phát điểm của nền kinh tế nói chung, nền nông nghiệp nói riêng là rất thấp. Nền nông nghiệp của chúng ta vào giai đoạn này hoàn toàn lạc hậu so với các nước khác trong khu vực. Lúc này, Đảng và Nhà nước đề ra mục tiêu của nền nông nghiệp là phấn đấu đảm bảo lương thực cho nhân dân và cho bộ đội nơi chiến trường. Tất cả vì mục tiêu thống nhất đất nước. Đến năm 1975, đất nước hoàn toàn được giải phóng, dân tộc ta được hoàn toàn thống nhất và lịch sử của dân tộc ta đã bước sang một trang mới. Chúng ta bước vào giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam.

Giai đoạn 1975 - 1986, đất nước thực hiện công cuộc xây dựng nền kinh tế tự cung tự cấp, hoàn toàn đóng cửa với nền kinh tế thế giới. Mặc dù đã có lúc do nhận thức sai lầm dẫn đến tình trạng nền kinh tế bị rơi vào khủng hoảng năm 1985, trong đó có cả sự yếu kém và trì trệ của ngành nông nghiệp Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận nguyên nhân khách quan của tình trạng này. Bởi vào giai đoạn đầu khi mới thống nhất đất nước, chúng ta còn bị nhiều thế lực thù địch tìm cách chống phá, Mỹ cấm vận chiến tranh, nếu chúng ta không đóng cửa nền kinh tế để phát huy nội lực của mình, thì rất dễ bị bọn đế quốc mới tấn công về kinh tế.

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 12-1986 thực sự đã mở một trang sử mới trong việc xây dựng và phát triển một nước Việt Nam hoàn toàn mới, hiện đại và phát triển. Thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện nền kinh tế, trong đó tất yếu là có ngành nông nghiệp, nền kinh tế đất nước ta như có một luồng gió mới thúc đẩy mọi nguồn lực sẵn có để phát triển kinh tế. Đối với ngành nông nghiệp, chế độ khoán nông nghiệp ra đời năm 1988 với chủ trương giao đất cho nông dân, lấy hộ nông dân là đơn vị kinh tế, hoàn toàn xoá bỏ tình trạng làm ăn theo kiểu hợp tác xã nông nghiệp từ lâu đã không còn thích hợp và hiệu quả. Chính chủ trương đúng đắn và kịp thời này đã giúp cho bộ mặt nông thôn Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả đáng kể nhất là nếu như đầu năm 1988, nước ta mặc dù là một nước thuần nông nhưng vẫn phải nhập đến 450 nghìn tấn lương thực, đời sống người dân chưa cao, đặc biệt là người nông dân, thì đến năm 1989, chỉ sau một năm thực hiện chế độ khoán, nước ta đã không những tích luỹ đủ số lương thực dự trữ mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo gần 1 triệu tấn. Mặc dù con số này chưa cao nhưng thực sự là nguồn khuyến khích, động viên to lớn đối với nhân dân ta, đặc biệt với người nông dân, họ thực sự tin vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Uy tín lãnh đạo của Đảng ta đã được nâng cao hơn nữa.

Thập kỷ 1990 là thập kỷ đánh dấu một thời kỳ phát triển ổn định của nền kinh tế nói chung, của ngành nông nghiệp nói riêng. Thời kỳ này đã tạo ra những tiền đề vững chắc về kinh tế cho đất nước và cũng là thời kỳ xác định nhiệm vụ mới quan trọng và mang tính cấp bách của thời đại. Đó là, sau một giấc ngủ dài, kinh tế đất nước ta nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đã có những sự tụt hậu đáng kể so với mức độ phát triển trung bình của các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Nếu chúng ta không nhanh chóng có chiến lược phát triển đúng đắn và phù hợp thì chúng ta sẽ không có cơ hội để đuổi kịp các nước khác, mà có nguy cơ mãi mãi tụt hậu và thuộc vào các nước kém phát triển nhất thế giới. Chính vì thế, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiệm vụ đưa đất nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 và thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế. Trong đó, chiến lược công nghiệp hoá hầu như mọi khâu, mọi giai đoạn của nền nông nghiệp đang thu hút sự đầu tư và quan tâm của các nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương chung là tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong GDP của cả nước. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta giảm sự đầu tư và giảm sự đóng góp của nông nghiệp vào GDP của cả nước, mà chúng ta luôn tìm mọi biện pháp để thúc đẩy nền nông nghiệp của chúng ta phát triển theo hướng hiện đại, tăng con số đóng góp cho nền kinh tế, nhưng các ngành công nghiệp và dịch vụ phải có mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa, tăng mạnh hơn cả sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Có làm được như thế, chúng ta mới hoàn toàn trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại mà vẫn phát triển nền nông nghiệp của đất nước.

Trong quá trình phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu về sản xuất, xuất khẩu và phát triển nông nghiệp nông thôn, góp phần vào việc phát triển nền kinh tế đất nước ngày càng bền vững và tốt đẹp hơn. Sau 20 năm đổi mới, sự phát triển vượt bậc của ngành nông nghiệp chính là thước đo chính xác nhất thể hiện sự đóng góp và nỗ lực của cán bộ trong ngành nông nghiệp và sự chỉ đạo sâu sát, luôn làm hết trách nhiệm và khả năng của mình của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Có thể nói từ khi thực hiện chính sách đổi mới, nền nông nghiệp nói riêng đã tìm được những bước đi quan trọng để phát huy những nội lực và những lợi thế cạnh tranh của mình, nhanh chóng vượt qua những trở ngại, những khó khăn và trì trệ còn sót lại của thời kỳ bao cấp để thu được những thành tựu mới, góp phần xây dựng đất nước phát triển ngày càng hiện đại và văn minh.

Nổi bật nhất là những thành tựu nền nông nghiệp Việt Nam đạt được trong suốt thập kỷ 1990, cụ thể như sau: tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành đạt 4,3%/năm, riêng năm 1999 đã đánh dấu một bước thành công vượt bậc đó là tốc độ tăng bình quân 5,5%, đạt 89 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,3% GDP. Trong số những ngành phát triển thì sản xuất lương thực có tốc độ tăng trưởng 5,8% năm 1999. Về xuất khẩu nông sản, trong thập kỷ 1990, luôn có tốc độ tăng bình quân 13,05%/năm. Riêng năm 1999 đạt khoảng 3 tỷ USD. Cũng trong năm này, khối lượng gạo xuất khẩu đã giúp Việt Nam đứng ở vị trí thứ hai thế giới trong số những nước chuyên xuất khẩu gạo với 4,4 triệu tấn. Xuất khẩu cà phê và hạt điều đứng thứ hai thế giới. Nhìn một cách tổng quát thì trình độ sản xuất nông nghiệp có rất nhiều tiến bộ so với thời kỳ trước đây. Nhiều loại sản phẩm đã được xây dựng thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung như: vùng lúa gạo ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng, vùng cà phê Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng chè miền núi và trung du phía Bắc, vùng cao su Đông Nam Bộ, vùng cây ăn quả Đông Nam Bộ... Chính những thay đổi trong sản xuất và năng suất của các ngành đã làm thay đổi một cách tích cực về cơ cấu kinh tế nông thôn. Hiện tại, tỷ trọng cây công nghiệp và cây ăn quả tăng lên rõ rệt, sản xuất lương thực tăng 4,8%. Nhờ đó, đời sống của người nông dân đã được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 1,5 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30% xuống còn 10 - 11%. Kết cấu hạ tầng và đời sống của người dân được cải thiện hơn. Trình độ dân trí được nâng cao.

Nếu giai đoạn trước đây, ngành nông nghiệp và nền kinh tế nông thôn đặc trưng bởi tốc độ khai thác tài nguyên và mở rộng quy mô sản xuất, thì đến giai đoạn hiện nay chủ trương của ngành là đa dạng hoá ngành nghề, đa dạng hoá các mặt hàng, nâng cao hiệu quả từ việc áp dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến của thế giới, tăng hiệu quả sản phẩm nhờ ứng dụng kỹ thuật và cải tiến phương thức quản lý. 



Báo cáo phân tích thị trường