Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân nói gì về VFA
25 | 05 | 2009
Thời gian qua, các cơ quan thông tấn, báo chí đã liên tục lên tiếng phản ánh những bất cập trong cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay, dẫn đến hạt gạo Việt Nam luôn bị thiệt đơn thiệt kép trên thị trường.

Và đặc biệt là vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), một hiệp hội ngành nghề nhưng lại được giao quá nhiều quyền lực.

Ông Nguyễn Ngọc Hưởng (ấp B1, xã Thạnh Thắng, Vĩnh Thạnh – Cần Thơ): Nông dân chúng tôi bị đẩy ra rìa

Nông dân chúng tôi một nắng hai sương, chân lấm tay bùn để làm ra hạt gạo nhưng lại là người chịu thiệt thòi nhất. Để có được hạt lúa, nông dân phải làm việc quần quật trên đồng ruộng mấy tháng trời, nớp nớp lo thiên tai dịch bệnh nhưng mỗi ký lúa giỏi lắm cũng chỉ lời được chừng 1.000-2.000 đồng.

Trong khi doanh nghiệp, chỉ làm trung gian mua đi bán lại thôi đã lãi hơn cả nông dân, còn nếu xuất được giá thì có khi lời gấp 4-5 lần cái lời của nông dân. Chẳng hạn như năm ngoái, lúc thời điểm giá lúa gạo thế thới lên cao ngất ngưởng, doanh nghiệp ký hợp đồng xuất với giá 1.200 USD/tấn, tính ra hơn 19.000 đồng/kg, thế nhưng họ cũng chỉ thu mua lúa cho nông dân với mức giá 7.500 đồng/kg đủ thấy họ lời tới chừng nào. Đó là lúc giá lên, làm ăn thuận buồm xuôi gió, còn lúc giá xuống thì nông dân còn lãnh đủ hơn nữa. Giá tụt thì doanh nghiệp phải bán giá thấp, trong khi họ vẫn giữ phần lời của mình do đó là chỉ còn cách quay lại ép giá nông dân.

Mặc dù vậy, nhiều năm qua chúng tôi cũng chẳng thấy vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ở đâu, họ giúp được gì cho nông dân? Tiếng là VFA, nhưng thực chất họ chỉ chăm chăm cho lợi ích của mình... còn hàng triệu nông dân chân lấm tay bùn làm ra hạt gạo lại bị đẩy ra rìa. Thử hỏi trong hơn 100 đơn vị thành viên của VFA trên khắp cả nước có được bóng dáng anh nông dân nào không? Không chỉ vậy mà họ còn xa rời nông dân vì hiện nay chỉ thấy thương lái đi thu mua lúa của nông dân, họ chỉ ngồi đó mua lại gạo nguyên liệu rồi chế biến xuất khẩu kiếm lời, thế là xong. 

Ông Châu Văn Điệp A – Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tức, Tri Tôn, An Giang: Cần hạn chế quyền lực của VFA

Theo điều lệ thì Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) là tổ chức xã hội, nghề nghiệp của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, nông sản và các sản phẩm chế biến từ lương thực. Vai trò chính của VFA là kiến nghị, tham gia ý kiến với các cơ quan Nhà nước về các vấn đề có liên quan đến chỉ đạo, điều hành xuất - nhập khẩu lương thực...

Tuy nhiên, không hiểu sao VFA lại được giao quyền “sinh, sát” trong điều hành xuất khẩu gạo, quản lý đầu ra của hạt gạo Việt Nam. Nói đúng hơn là VFA đang hoạt động như một cơ quan quản lý nhà nước hơn là tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Đó là chưa kể trong những năm qua, VFA đã có những kiến nghị “chết người”, dẫn đến hạt gạo Việt Nam bị mất cơ hội bán giá cao, bí đầu ra, gây thiệt hại cho nông dân hàng triệu USD.

Trong khi nhiều hiệp hội ngành nghề khác đang làm tốt vai trò cầu nối liên kết 4 nhà, giúp nông dân tăng năng suất, tăng lợi nhuận thì vai trò của mình VFA lại rất mờ nhạt hay nói đúng hơn là không làm được gì. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 80 về bao tiêu nông sản hàng hóa cho nông dân. Trong đó, có vấn đề tổ chức lại lực lượng thương lái thu mua lúa gạo ở ĐBSCL theo hướng có lợi hơn cho nông dân.

Vậy mà hơn 7 năm qua, với vai trò điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo của VFA, tất cả dừng như vẫn không có gì thay đổi, vẫn y nguyên bát nháo. Người nông dân vẫn phải tự bơi dù chúng ta có Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Có lẽ đã đến lúc đã đến lúc chúng ta phải tiến hành làm cuộc “đại phẫu" lại việc điều tiết xuất khẩu gạo để hạn chế bớt “quyền lực" của VFA...



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường