Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
XK cá... độc, thu ngoại tệ
27 | 05 | 2009
Lâu nay, chỉ nhìn thấy cá nóc nhiều người đã sởn gai ốc vì đó là một loài hải sản cực độc có thể làm chết người trong chốc lát. Thế nhưng cá nóc lại được một số nước coi là "vua của các loại cá", và thế là Việt Nam có cơ hội XK loại cá này thu về ngoại tệ mạnh...

Lâu nay, chỉ nhìn thấy cá nóc nhiều người đã sởn gai ốc vì đó là một loài hải sản cực độc có thể làm chết người trong chốc lát. Thế nhưng cá nóc lại được một số nước coi là "vua của các loại cá", và thế là Việt Nam có cơ hội XK loại cá này thu về ngoại tệ mạnh...

Ông Bùi Văn Thưởng, Phó TTK Hội nghề cá Việt Nam cho biết: Biển Đông có 53 loài cá nóc nước mặn. Trong đó, vịnh Bắc bộ 24 loài, Trung bộ 33 loài, Đông Nam bộ 15 loài, vịnh Thái Lan 8 loài và quần đảo Trường Sa 9 loài. Độc tố cá nóc có thành phần chủ yếu là Tetrdotoxin (TTX), thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, có tính bền nhiệt lớn và khả năng gây tử vong cao. Độc tố từng loài cá nóc khác nhau và ở từng bộ phận lại có độc tố khác nhau. Độc tố còn thay đổi theo mùa, môi trường sống và giai đoạn phát triển của cá.

Tại nước ta trong quá trình đánh bắt, ngư dân vẫn thu được lượng cá lóc khá lớn (khoảng 40.000 tấn/năm). Tuy nhiên, lượng cá nóc được thu gom về vẫn chưa được sử dụng một các hợp lý. Do quá...sợ cá nóc nên phần lớn lượng cá đánh bắt được đem làm phân bón, thức ăn cho cá hoặc làm mồi để câu cá ngừ đại dương. Đây thực sự là một lãng phí lớn.

Ngược lại ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...cá nóc được xem là một loài hải sản có giá trị kinh tế. Một số loài được họ chế biến thành những món ăn cao cấp tại các nhà hàng sang trọng. Bởi thế, việc thí điểm công tác đánh bắt, thu gom...cá nóc phục vụ xuất khẩu do Bộ Thủy sản (cũ) triển khai từ năm 2004 đến nay đã mở ra lối thoát cho con cá nhiều tai tiếng này.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Thủy sản Việt Nam và Bộ Hàng hải và ngư nghiệp Hàn Quốc, các chuyên gia cá nóc của KOICA (Hàn Quốc) đã sang Việt Nam hướng dẫn cách phân loại, định danh, chế biến và phân tích độc tố cá nóc. Qua nghiên cứu 19 loài cá nóc Việt Nam thu được tại Khánh Hòa, bạn chọn được 6 loài có thể dùng làm thực phẩm tại Hàn Quốc. Dự án được triển khai thí điểm tại địa bàn 2 tỉnh: Nghệ An và Bình Định.

"Nhật Bản coi cá nóc là "vua của các loài cá" nên họ có hẳn một nền văn hóa ẩm thực về cá nóc. Tại Nhật Bản việc nuôi cá nóc có từ năm 1973. Mỗi năm nước này thu được từ nguồn cá nóc khoảng 170 triệu USD/năm"- Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn

Tuy nhiên từ tháng 8/2008 đến nay, Cty CP Thủy sản Nghệ An mới thu mua, sản xuất được 21 tấn cá nóc. Và đến đầu năm 2009 mới xuất được container đầu tiên với 10 tấn cá nóc đông lạnh, hiện đang chờ cấp chứng thư xuất khẩu lô hàng tiếp theo. Còn tại Cty CP thủy sản Bình Định sản lượng cá lóc tại các bến thu được hàng ngày chỉ khoảng 300-500 kg nhưng tỷ lệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ khoảng 20 -25% nên cho đến nay vẫn chưa xuất được container nào.

Lý do, ông Đào Xuân Kiệm, GĐ Cty CP thủy sản Nghệ An cho biết: Hàn Quốc chỉ đồng ý cấp chứng thư nhập khẩu của Nghệ An 2 loại cá nóc là cá nóc mút đuôi trắng hay còn gọi là cá nóc bạc (Lagocephalus Gloveri) và cá nóc xanh (L. Wheeleri). Nhưng quá trình thu mua của ngư dân chỉ có từ 15 đến 20% đạt yêu cầu xuất khẩu. Sở dĩ có tình trạng trên là vì lâu nay bà con coi cá nóc chỉ là sản phẩm phụ nên...không thèm để ý. Thứ 2 là do thiết bị đánh bắt cá nóc hiện nay quá thiếu. Giá cả xuất khẩu còn rất thấp (từ 0,9 đến 1,2 USD/kg) nên giá thu mua cũng thấp, ngư dân không muốn bán.

"Từ năm 1999 đến 2003, do chế biến không đảm bảo VSATTP đã xẩy ra 176 vụ ngộ độc thực phẩm cá nóc làm 737 người phải nhập viện, gây tử vong 127 người" - Ông Bùi Văn Thưởng, Phó TTK Hội nghề cá Việt Nam

Theo ông Ngô Quang Tú, Trưởng phòng Chế biến, bảo quản thủy sản (Cục Chế biến NLTS) hiện nay sản lượng cá nóc đánh bắt được chỉ dừng lại ở con số trên dưới 40.000 tấn/năm, nhưng sản lượng XK chỉ chiếm khoảng 4.000 tấn/năm, với giá 1,2 USD/kg thì lượng ngoại tệ thu được từ nguồn này vẫn khiêm tốn (5 triệu USD/năm). Nguồn thu về kinh tế không lớn cho nên việc đưa công tác khai thác chế biến cá nóc vào quy củ, nhất là công tác chiết xuất TTX là cực kỳ quan trọng.

Phải xem công tác khai thác, thu gom, chế biến cá nóc là một nghề có điều kiện. Đi kèm với nó là các điều kiện tàu thuyền, ngư cụ đánh bắt, chế biến, cầu cảng...Ngay từ bây giờ, các nhà khoa học phải làm rõ được mức độ độc tố TTX của từng loài ra sao. Một số Cty đang xin phép được chiết xuất TTX phục vụ công nghệ dược phẩm nhằm tránh lãng phí và gây ô nhiễm môi trường.



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường