Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Càphê đang tăng giá: Cần những dự báo chính xác
27 | 05 | 2009
Trong các ngày từ 18 - 24.5, ở nhiều vùng càphê của Lâm Đồng và nhiều tỉnh Tây Nguyên, một số hộ dân "tung" càphê nhân tồn đọng trong vụ vừa qua ra bán với số lượng lớn.

Nguyên nhân, nhiều hộ cho rằng, hiện tại, giá càphê đang tăng, nếu không chớp lấy cơ hội để bán hàng thì ít hôm nữa, giá có thể xuống thấp như đã từng xảy ra những năm gần đây.

Trong tuần qua, giá càphê nhân ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã nhích từ 20.000 - 22.000 đồng/kg tháng trước lên 23.000 - 25.000 đồng và trên 25.000 đồng/kg. Như vậy, so với cách nay 6 tháng, giá một kilôgram càphê nhân trên địa bàn Tây Nguyên đã tăng hơn 6.000 đồng, nên một số hộ đã tung hàng ra thị trường một cách ào ạt.

Những người dân thông thạo thị trường càphê thế giới đưa ra phân tích: Thực chất, giá càphê Việt Nam những ngày gần đây có nhích cao lên chỉ là một hiện tượng đơn lẻ, cá biệt, tạm thời. Bởi lẽ trong thực tế, giá càphê tại các thị trường New York, London... trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5 vừa qua đã giảm từ 2,88% - 3% so với tháng 3.

Thế nhưng, một hiện tượng lạ đã xảy ra là trong khi giá càphê tại các thị trường thế giới đang giảm thì giá càphê xuất khẩu của Việt Nam (tuần từ 18-24.5) lại tăng lên 1.460USD/tấn - cao hơn tuần trước nữa 15USD/tấn. Đây là điều chưa bao giờ có tiền lệ đối với càphê xuất khẩu của Việt Nam.

Từ thực tế này, nhiều người cho rằng, việc giá càphê trên thị trường thế giới có tăng lên chỉ là tạm thời; và rất có thể, chỉ trong vài ngày tới, giá này sẽ rớt xuống dưới 1.400USD/tấn.

Ngược lại với cách lập luận trên, một số người khác lại cho rằng: Việc giá càphê thế giới giảm nhẹ trong mấy ngày qua chỉ là tạm thời; và chắc chắn, trong vài ngày sắp tới, giá này sẽ tăng lên một cách đáng kể.

Lâm Đồng có diện tích càphê đứng thứ hai trong cả nước, nhưng lại là tỉnh có sản lượng càphê dẫn đầu toàn quốc. Cùng đó, Tây Nguyên là vùng càphê lớn nhất nước, với tổng diện tích chiếm đến 470.000ha trong tổng số 500.000ha càphê hiện có của VN. Năm 2008 vừa qua, lượng càphê xuất khẩu của VN đạt được 900.000 tấn và trị giá xuất khẩu đạt hơn 1 tỉ USD.

Nêu ra đây những số liệu này để lần nữa khẳng định rằng: Việc đưa ra những dự báo chính xác trong lúc này để ổn định cán cân cung - cầu đối với mặt hàng càphê ở Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung là việc làm hết sức cần thiết.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường