Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Nóng” vấn đề nông nghiệp, nông thôn
27 | 05 | 2009
Đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, “đầu ra” cho nông sản, đầu tư cho nông nghiệp, lãi suất ưu đãi cho nông dân vay vốn sản xuất... là các vấn đề nóng trong phiên thảo luận chiều 26/5 tại kỳ họp Quốc hội.

Chiều nay (26/5), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008 và tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế những tháng đầu năm 2009.

Vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục là chủ đề “nóng” được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập và cho ý kiến.

Nông thôn Việt Nam là địa bàn lớn, đan xen với các đô thị. Đặc điểm kinh tế nông nghiệp nước ta khá đa dạng, chưa được công nghiệp hoá - hiện đại hoá một cách toàn diện. Theo các đại biểu, trong điều kiện hiện nay, Chính phủ nên nghiên cứu tập trung gói kích cầu về địa bàn nông thôn và nông dân, trong đó cần chú ý đến tính tương thích, tỷ lệ vốn vay, chọn dự án cho vay, chọn địa bàn và lĩnh vực, cây trồng, vật nuôi trọng điểm.

Quan tâm phát triển hạ tầng vùng núi, nông thôn

Mở đầu phiên họp chiều nay, ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Tuyên Quang) đã phản ánh một phần về bức tranh hạ tầng nông thôn. Nhìn vào khu vực nông thôn Việt Nam, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nhìn chỗ nào cũng thấy thiếu. Nhiều vùng nông thôn thiếu đường nhựa đến trung tâm xã.

“Đề nghị Chính phủ tập trung vốn cao nhất cho gói kích cầu giao thông nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi để sau khủng hoảng kinh tế hiện nay có thể có đường nhựa tới tất cả các xã. Đây là giải pháp căn cơ, bền vững, đẩy mạnh được sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, chăm lo đời sống nhân dân, thay đổi bộ mặt nông thôn. Việc làm này còn góp phần kích thích các doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn. Đây là thời điểm hướng về nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 về vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân” - đại biểu Nguyễn Văn Sơn nói.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Phước (đoàn Bến Tre), với số dân ở nông thôn chiếm đến trên 80%, khi Chính phủ tập trung kích cầu vào đây cũng chính là kích cầu vào tiêu dùng dân cư. Vì đây là thị trường tiêu thụ hàng hoá rất lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các dịch vụ khác có điều kiện phát triển theo nguyên tắc “nước lên thuyền lên”.

Còn theo đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang), nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thời suy thoái nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Chính phủ cần xác định mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, bền vững. Đây là cái gốc để ban hành các chính sách kinh tế nông nghiệp

Sớm tìm “đầu ra” cho nông sản

Theo đại biểu Trần Minh Mẫn (đoàn Long An), chính sách tiêu thụ hàng hoá nông sản còn nhiều vướng mắc, năm nào nông dân cũng than phiền “được mùa thì mất giá”. Chính phủ cần sớm có qui định kiểm soát lực lượng thu mua lương thực (thương lái).

Theo đại biểu Danh Út, Chính phủ cần sớm có chính sách, cơ chế thu mua nông sản, đảm bảo người sản xuất có lãi hợp lý. Với gần 80% dân số sống bằng nghề nông, sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới nhưng Việt Nam chưa có chiến lược cho ngành gạo. Nông sản Việt Nam khó xuất khẩu và giá trị thấp vì chưa có thương hiệu. Người nông dân vẫn sản xuất theo kiểu “may nhờ, rủi chịu”.

ĐBSCL là vựa lúa của cả nước nhưng việc điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua của Hiệp hội Lương thực Việt Nam bộc lộ nhiều yếu kém (được giá thì cấm xuất khẩu – tháng 2/2009, mất giá thì cho xuất khẩu – tháng 5/2009). Việc điều hành xuất khẩu gạo của Hiệp hội thời gian qua đẩy nông dân ra rìa. “Cách điều hành này lại một lần nữa khiến doanh nghiệp và nông dân lỡ mất cơ hội thu bạc tỷ từ xuất khẩu gạo. Đề nghị Chính phủ điều hành xuất khẩu gạo theo hướng gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm nhằm mục tiêu tiêu thụ hết lúa gạo” - đại biểu Danh Út nói.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắc Lắc) cho rằng, Nhà nước cần tập trung đầu tư để giải quyết các vấn đề thiết yếu trước mắt và lâu dài cho đất nước. Không có lý gì để nông dân năm nào cũng nơm nớp lo lắng về lũ lụt, hạn hán, sâu bọ…

Theo các đại biểu, việc liên kết 4 nhà (nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhà nước) phải có ràng buộc, qui định rõ vai trò, trách nhiệm của từng nhà. Các nhà liên kết phải cùng nhà nông ra đồng thì liên kết mới có hiệu quả.

Tạo điều kiện để nông dân tiếp cận lãi suất ưu đãi

Theo phản ánh của một số đại biểu, nông dân rất vui mừng trước quyết định của Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn mua máy móc nhưng nông dân lại khó tiếp cận nguồn vốn này vì thời gian cho vay quá ngắn, thủ tục nhiều và phức tạp. Một số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần kéo dài thời gian cho vay hưởng lãi suất 0% lên 5 đến 10 năm. Chính phủ cũng nên xem xét bỏ điều kiện nông dân vay vốn ưu đãi bắt buộc phải mua máy móc sản xuất trong nước vì thực tế, máy móc phục vụ sản xuất trong nước không nhiều, thậm chí không có.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (đoàn Ninh Thuận) khẳng định, nếu triển khai các gói kích cầu tại khu vực nông thôn không hiệu quả thì toàn bộ gói kích thích kinh tế sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Minh, các doanh nghiệp ở nông thôn phần lớn là chế biến nông sản với qui mô sản xuất nhỏ bé. Có rất ít doanh nghiệp trong số này được bão lãnh cho vay tín dụng, trong khi nhu cầu về vốn lại rất lớn. Nguyên nhân là các đối tượng này khó đáp ứng được điều kiện theo qui định vay vốn. Trong điều kiện năng lực sản xuất nhỏ bé, tài sản đã thế chấp, một bộ phận không nhỏ nông dân đang còn nợ cũ nên không đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ lãi suất. Chính phủ cần xem xét đơn giản hoá điều kiện đối với các đối tượng được vay vốn. Về lâu dài, cần xây dựng chính sách tín dụng hợp lý, tính đến yếu tố đặc thù.

Hạ tầng phát triển sẽ tạo điều kiện để nông thôn phát triển.
 
Còn đại biểu Trần Minh Mẫn (đoàn Long An) thì khẳng định: “Đa số gói kích cầu không đến được với nông dân, vì hầu hết tài sản của họ đã thế chấp ở ngân hàng cho các khoản vay cũ, lãi suất cao. Hiện nay, nhiều vùng nông thôn đã diễn ra tình trạng “tín dụng đen”. Nông dân phải vay nóng với lãi suất cao để trả ngân hàng nhằm mong được vay nợ mới có hỗ trợ lãi suất”.

“Chính phủ, Quốc hội cần có giải pháp ngắn hạn cho vấn đề này. Thay vì để nông dân vay để đảo nợ thì Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần khuyến khích các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ cho nông dân, điều chỉnh lãi suất…” - đại biểu Trần Minh Mẫn nói.

Để giúp nông dân vượt qua khó khăn thời kỳ suy giảm kinh tế, đại biểu Danh Út kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ mỗi héc-ta sản xuất lúa 1 triệu đồng để bà con nông dân có điều kiện cải tạo đất và sử dụng giống mới chất lượng cao.

Ngày mai, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường.



Nguồn: VOVNEWS.VN
Báo cáo phân tích thị trường