Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam: Quý I/2008, Việt Nam đã XK được 8.788 tấn cá ngừ, với tổng trị giá xấp xỉ 28,4 triệu USD, giảm 25,1% về khối lượng (KL) và 32,5% về giá trị (GT) so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, riêng tháng 3, cả nước đã XK 4.837 tấn cá ngừ tương đương 16,3 triệu USD, tăng 13,1% về lượng, nhưng giảm 4,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 3/2009, top 3 thị trường NK cá ngừ lớn nhất: EU, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục giữ đà tăng trưởng và giữ nguyên vị trí xếp hạng kể từ đầu năm. Top thị trường chính còn lại liên tục hoán đổi, thêm nhiều “gương mặt mới” đồng thời vắng mặt một số thì trường cũ. Điều này chứng tỏ rằng, trong thời gian trên, ngoài việc tập trung vào các thị trường có sức tiêu thụ khá ổn định, các DN chế biến XK cá ngừ khá linh hoạt trong việc tìm kiếm thêm nhiều thị trường mới, tránh rủi ro kinh doanh và tăng cường hoạt động XK.
Nửa đầu tháng 2/2009 đến nửa đầu tháng 3/2009, mặc dù, vẫn đứng ở vị trí dẫn đầu trong cơ cấu thị trường NK cá ngừ Việt Nam, nhưng khối lượng XK sang EU, Nhật Bản, Mỹ tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Kết thúc tháng 3/2009, trừ Nhật Bản, tại hai thị trường EU và Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét: Riêng EU đã NK 2.149 tấn cá ngừ tương đương 6,75 triệu USD, tăng 24,5% về KL, 1,7% về giá trị (trong đó, Đức tăng 127,2% về KL, 85,8% về GT; Bỉ tăng 373,8% về KL, 533,5% về GT) so với cùng kỳ năm 2008.
Ngược lại với diễn biến của top 3 thị trường lớn, 3 tháng đầu năm, vị trí 6 thị trường chính đơn lẻ còn lại: Angiêri, Ixrael, Libăng, Croátia, Thụy Sỹ và Ápganixtan sắp xếp khá lộn xộn và liên tục thay đổi. Tuy nhiên, trong tháng 3/2009, Angiêri và Libăng là hai thị trường ổn định, gây nhiều sự chú ý nhất với các nhà XK cá ngừ Việt Nam khi: Angiêri tăng 134,1% về KL, 36,2% về GT; Libăng tăng 64,2% về KL, 56,8% về GT so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tháng 3, thị trường Ixrael tăng trưởng mạnh nhất, khi tăng 245,9% về KL, 99% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, theo dõi cả 3 tháng, có thể thấy đây là thị trường gây nhiều sự chú ý nhưng chưa thực sự ổn định do diễn biến thất thường từ sự tăng trưởng.
Mặc dù, vẫn nằm trong danh sách các thị trường NK cá ngừ chính từ Việt Nam, nhưng kể từ đầu tháng 3/2009, lượng NK mặt hàng cá ngừ vào Croátia, Thụy Sỹ giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái: Thụy Sỹ giảm 84,2% về KL, 85,1% về GT; Croátia giảm 16,5% về KL, 25,3% về GT, cộng với các nước khác cũng giảm 44,6% về KL, 56,6% về GT khiến hoạt động XK cá ngừ chưa thực sự khởi sắc.
Khép lại quý I/2009, XK cá ngừ đã có dấu hiệu phục hồi dần dần nhưng tốc độ chưa thực sự ổn định nhờ sự nỗ lực không ngừng của các nhà XK cá ngừ Việt Nam nhằm đối phó với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế và sự giảm sút không ngừng sức tiêu thụ các mặt hàng hải sản cao cấp. Tháng 3/2009, Công ty TNHH Foodtech tiếp tục giữ vị trí số 1 trong danh sách các DN XK cá ngừ lớn nhất Việt Nam, tiếp đến là Highland Dragon, Công ty TNHH Toàn Thắng, Cty TNHH Thủy sản Hải Long Nha Trang, Công ty TNHH Tín Thịnh, Bidifisco….