Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
’Đẩy nông dân ra rìa’
28 | 05 | 2009
Ông Danh Út, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cho rằng việc điều hành xuất khẩu gạo vừa qua của Hiệp hội Lương thực Việt Nam là đẩy nông dân ra rìa và người đại diện của họ là hội nông dân cũng không được tham gia đầy đủ trong việc này.

Điều hành xuất khẩu gạo : Bộ Công thương chứ không phải Hiệp hội

Gạo chất đến nóc kho của Cty Du lịch - Thương mại Kiên Giang chưa được xuất. Ảnh: Hồng Lĩnh

Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội, ông Út cho rằng đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, nhưng việc điều hành xuất khẩu gạo vừa qua của Hiệp hội Lương thực Việt Nam bộc lộ nhiều tồn tại và yếu kém, được giá thì cấm xuất khẩu vào tháng 2/2009, mất giá là cho xuất khẩu vào tháng 5/2009.

Theo ông, việc điều hành xuất khẩu gạo vừa qua của Hiệp hội là đẩy nông dân ra rìa và người đại diện của họ là hội nông dân cũng không được tham gia đầy đủ. Cách điều hành này lại một lần nữa khiến doanh nghiệp và nông dân lỡ mất cơ hội thu bạc tỷ từ xuất khẩu gạo.

Ngoài ra mối quan hệ hiệp hội với Chủ tịch UBND cấp tỉnh không rõ trách nhiệm, tỉnh lo tìm thị trường xuất khẩu gạo nhưng lại không được xuất khẩu, do địa phương không có quyền quyết định trong điều hành xuất khẩu gạo. “Đề nghị Chính phủ điều chỉnh sửa đổi cơ chế điều hành xuất khẩu gạo theo hướng gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm, nhằm tiêu thụ hết lúa gạo”- Ông Út nói.

Đại biểu này cũng dẫn chứng việc như ở Kiên Giang hàng năm sản lượng lương thực khoảng 3,4 triệu tấn lúa tương đương 1,2 triệu tấn gạo, nhưng chỉ được hiệp hội cho phép xuất khẩu khoảng 600.000 tấn.

Trường hợp điển hình mới đây nhất là vào tháng 4/2009, Công ty du lịch Thương mại Kiên Giang tìm được thị trường xuất khẩu gạo 53.500 tấn, nhưng bị bế tắc vì rào cản điều kiện của Hiệp hội lương thực Việt Nam.

Ông Danh Út, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang
Theo ông Út, Hiệp hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp, là cơ quan tham mưu lại điều hành như cơ quan quản lý Nhà nước có quyền lực cao hơn Luật doanh nghiệp là không phù hợp, là sai cả nguyên tắc và qui chế về tổ chức. Cách điều hành trên không tạo ra sức mạnh, không đảm bảo yếu tố bốn nhà mà còn dẫn tới thiếu dân chủ, không hài hòa về quyền lợi ích các bên, đặc biệt là lợi ích của người nông dân. Với quan điểm lúa gạo của bà con nông dân sản xuất ra phải được tiêu thụ hết dễ dàng.

“Xin kiến nghị Chính phủ, không nên giao nhiệm vụ điều hành xuất khẩu gạo cho Hiệp hội lương thực mà giao lại quyền đó cho Bộ Công Thương làm đúng chức năng hơn, điều hành chung và giao quyền điều hành nhiều hơn nữa cho Chủ tịch UBND tỉnh để chủ động trong sản xuất thu mua tìm đối tác xuất khẩu”- Ông Út đề xuất.

Thương lái lãi gấp 4-5 lần nông dân

Một khía cạnh bất cập khác liên quan đến việc sản xuất của nông dân được ông Út dẫn chứng đó là nói nông dân sản xuất có lãi 30% nhưng thực ra lãi đó không nhiều, thu nhập chỉ tương đương hộ cận nghèo. Trong khi đó các doanh nghiệp, thương lái chỉ trung gian thôi nhưng lại bán gạo lãi có khi gấp 4-5 lần lãi của người nông dân. Chính vì vậy Chính phủ cần xem xét lại và có cơ chế lúa gạo xuất khẩu đem lại lãi suất hài hòa giữa người nông dân và người kinh doanh.

Theo ông Út, Chính phủ cần xác định mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững. Trước mắt, Chính phủ cần đánh giá lại, rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với yêu cầu thị trường. Những nông sản nào có lợi thế về thị trường thì ưu tiên đầu tư đẩy mạnh như lúa gạo. Việc tập trung đầu tư thâm canh, nhất là vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, để giúp nhân dân vượt qua khó khăn thời kỳ suy giảm kinh tế cũng là cần thiết.

“Xin kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho mỗi ha sản xuất lúa 1 triệu đồng để bà con nông dân có điều kiện cải tạo đất và sử dụng giống mới chất lượng cao. Đây cũng là một giải pháp đưa gói kích cầu trực tiếp về với nông thôn, nông dân và người nghèo”- Ông Út đề nghị.

Cũng theo ông Út, Chính phủ cần sớm có chính sách, cơ chế thu mua các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo người sản xuất có lãi hợp lý. Với gần 80% dân số sống bằng nghề nông, sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, nhưng chưa có chiến lược lâu dài cho ngành gạo, nông sản Việt Nam khó xuất khẩu và giá trị thấp vì chưa có thương hiệu. Do đó việc sớm xây dựng thương hiệu là lối thoát cho nông sản Việt Nam. Đây là tâm tư mà người nông dân thường than thở, may nhờ, rủi chịu.



Nguồn: Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường