Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nên bỏ thuế thu nhập để kích cầu
03 | 06 | 2009
Nhằm huy động vốn tài trợ các hoạt động kích cầu, đầu tư công, kênh trái phiếu được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, một thời gian khá dài, nhiều phiên đấu thầu trái phiếu thất bại do chênh lệch lớn giữa lãi suất mà Bộ Tài chính đưa ra với lãi suất đòi hỏi của tổ chức đầu tư.

Theo Hiệp hội Nhà đầu tư tài chính (Vafi), nên bỏ tính thuế thu nhập DN trong các hoạt động đầu tư trái phiếu để kích cầu.

Hoạt động đầu tư mua trái phiếu chính phủ thực chất là việc cho Nhà nước vay tiền, do đó người cho vay sẽ yêu cầu một mức lãi suất đối với khoản vay đó. Tuy nhiên có sự tương quan giữa mặt bằng lãi suất huy động của khối NH với lãi suất trái phiếu. Người cho vay thường mong một mức lãi suất cao, trong khi người đi vay mong mức lãi suất thấp. Bộ Tài chính còn phải cân đối với mức lãi suất huy động ngân hàng vì chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại đang cố gắng duy trì một mặt bằng lãi suất thấp. Nếu đưa ra mức lãi suất cao sẽ phát tín hiệu không tốt cho mặt bằng lãi suất chung. Đây là mâu thuẫn chính khiến nhiều phiên đấu thầu trái phiếu bất thành.

Tuy nhiên theo Vafi, việc hạ lãi suất trái phiếu cũng sẽ tác động tốt tới xu hướng hạ lãi suất của hệ thống ngân hàng. Nếu giảm mức lãi suất trái phiếu chính phủ từ 1,5% -2% có một ý nghĩa hết sức quan trọng và sẽ góp phần làm giảm lãi suất huy động của khối ngân hàng thương mại. Thế nhưng nếu lãi suất trái phiếu thấp sẽ không khuyến khích việc mua trái phiếu.

Để giải quyết mâu thuẫn đó, Vafi kiến nghị nên bỏ việc tính thuế đối với hoạt động đầu tư trái phiếu chính phủ. "Khi đầu tư vào trái phiếu chính phủ thì mọi tổ chức đầu tư đều tính đến việc phải khấu trừ yếu tố thuế và chi phí. Nếu có thuế thì lãi suất trái phiếu phải cao vì phải bao hàm yếu tố thuế, còn nếu không có thuế thì lãi suất trái phiếu sẽ giảm", ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Vafi cho biết.

Bản chất của việc tổ chức đóng thuế cho hoạt động đầu tư trái phiếu chính phủ không phải là tiền túi mà chính là khoản tiền ngân sách nhà nước. Khoản tiền  này được trả lại cho ngân sách nhà nước sau khi tổ chức nhận được lợi tức trái phiếu chính phủ. Như vậy thực chất Nhà nước không hề được lợi từ việc thu thuế mà ngược lại.  Chẳng hạn với hoạt động đầu tư mua công trái hay trái phiếu giáo dục (được miễn thuế) thì lãi suất luôn giảm hơn so với lãi suất trái phiếu chính phủ ở kỳ hạn tương ứng từ 1,5% - 2%.

Việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào trái phiếu chính phủ cũng cần phải tính đến tác động làm khan hiếm tiền đồng cũng như  áp lực tăng giá VND, nhất là những trái phiếu ngắn hạn. Như vậy cần tạo cơ chế tăng cường huy động vốn từ các tổ chức tài chính trong nước và phải nâng lãi suất ở mức hợp lý - xử lý vấn đề này chỉ bằng giải pháp không tính thuế TNDN. Đây cũng là thông lệ phổ biến trên thế giới.
 
Đại diện Vafi cho rằng nếu sớm thực hiện giải pháp này, sẽ tạo được cơ chế tăng cường huy động vốn trong nước cho đầu tư trái phiếu chính phủ, từ đó giải quyết được tốt bài toán mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước cho mục tiêu đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như đầu tư gián tiếp nước ngoài vào CP của DN trong nước.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường