Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đề án nâng cao vai trò tổ chức hội Nông dân với tam nông: Củng cố điểm tựa cho nông dân
11 | 06 | 2009
Nông dân (ND) là lực lượng lao động chiếm 73% dân số trong cả nước nhưng đang chịu nhiều rủi ro so với các lực lượng khác. Vì vậy, việc tạo "điểm tựa" cho nông dân trong thời kỳ hội nhập là hết sức cần thiết.

Đề án "Nâng cao vai trò, nhiệm vụ của Hội Nông dân (HND) Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020" là 1 trong 6 đề án quan trọng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo xây dựng nhằm giải quyết vấn đề trên được dư luận quan tâm.

Nông dân chịu nhiều thiệt thòi

Trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, HND Việt Nam đã liên tiếp mở 3 cuộc hội thảo tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ HND các cấp đóng góp cho đề án này. Tại các cuộc hội thảo, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn nhìn nhận ND là lực lượng trực tiếp lao động tạo ra các sản phẩm nông nghiệp, làm giàu cho đất nước, tuy nhiên họ vẫn thiếu một "điểm tựa" vững chắc trong quá trình hội nhập. Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN & PTNT cho rằng: Mặc dù, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến ND, nông nghiệp, nông thôn nhưng xét về nhiều phương diện thì người ND vẫn bị thua thiệt, vì phải mua hàng công nghiệp, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng giá cao, trong khi đó giá bán sản phẩm họ làm ra thường thấp, không đủ bù chi phí. Đáng chú ý, tình trạng đất đai bị thu hẹp, tốc độ đô thị hóa nhanh, các khu công nghiệp phát triển, việc đền bù giải tỏa chưa thật thỏa đáng, chưa quan tâm giải quyết lao động, việc làm... đã ảnh hưởng đến đời sống ND. Dẫn chứng thêm, ông Ngọ so sánh: ND chiếm tới hơn 70% dân số lại chưa có trường lớp nào đào tạo. Trong quá trình hoạt động, có rất nhiều cuộc thi, giải thưởng được tổ chức và trao cho các doanh nhân, doanh nghiệp nghệ sĩ… nhưng các cuộc thi tôn vinh ND  lại chưa nhiều.

Những năm qua, với vai trò là một tổ chức chính trị, xã hội, HND các cấp đã tích cực hỗ trợ, giúp ND vay vốn không phải thế chấp tài sản đầu tư mua sắm máy móc, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật... vươn lên tạo lập cuộc sống và góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước. Tuy nhiên, hoạt động của các cấp HND vẫn còn chưa tạo được nhiều mô hình hợp tác, liên kết sản xuất; chưa tập hợp được nhiều ND tham gia mạnh mẽ và có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội... Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để ND nước ta có trình độ sản xuất cao, xây dựng được nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững... là vấn đề đặt ra với các cấp, các ngành, nhất là với các cấp HND cả nước.

Đa dạng các giải pháp hỗ trợ nông dân

Trước nhu cầu phát triển của ND trong quá trình hội nhập, việc khẳng định vai trò trung tâm của các cấp hội là hết sức cần thiết. Theo Phó Chủ tịch HND Việt Nam Hà Phúc Mịch, cần xây dựng các cấp hội vững mạnh toàn diện, thực hiện vai trò nòng cốt trong các phong trào ND và xây dựng nông thôn mới. TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách, chiến lược NN và PTNT (Bộ NN&PTNT) cho rằng: HND Việt Nam phải chỉ ra được những gì  ND đang cần, đang mong muốn, từ đó đề ra những cơ chế, chính sách phục vụ thiết thực cho ND. Các chính sách xã hội đối với ND cần được xây dựng bằng những nội dung cụ thể như xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, quy hoạch, chuyển đổi, mở rộng sản xuất, chuyển giao khoa học - công nghệ, đầu tư vốn... Ông Hoàng Ngọc Vĩnh, nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn - Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Chính phủ nên cấp vốn không lãi cho các quỹ hỗ trợ ND; đến năm 2010 chuyển một phần kinh phí trong các hoạt động dịch vụ công như khuyến nông, khuyến công, dạy nghề, nước sạch môi trường, dân số... để HND trực tiếp thực hiện. Nhiều ý kiến đề nghị cần xây dựng hệ thống trung tâm hỗ trợ ND xuống tới cấp huyện; xây dựng các HTX trên cơ sở các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất của ND, bổ sung nội dung xây dựng trung tâm đấu giá nông sản cấp vùng vào đề án. Cũng băn khoăn với những khó khăn của nông dân, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách phát triển nông thôn - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ Chu Tiến Quang nhận định, để các cấp hội đóng góp và thể hiện vai trò trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cần nghiên cứu, đề xuất chính sách bắt đầu từ cơ sở, như vậy mới hiểu ND đang cần gì, đòi hỏi gì ở hội. PGS, TS Nguyễn Sinh Cúc lại cho rằng, để nâng cao vai trò của tổ chức hội thì cán bộ hội phải được đào tạo, tập huấn bài bản. Do đó, giải pháp hàng đầu để nâng cao vai trò của HND là hoàn thiện trường đào tạo cán bộ hội như nâng cấp Trường Cán bộ HND TƯ, xây dựng các trường đào tạo cán bộ hội cấp vùng hỗ trợ nông dân tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, nâng cao thu nhập, phát triển nông thôn mới.



Nguồn: www.hanoimoi.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường