Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội để xuất khẩu đồ gỗ tăng kim ngạch
19 | 06 | 2009
Trong 6 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu (XK) đồ gỗ chỉ đạt 1,3 tỷ USD, giảm 30% so với năm 2008.

Xuất khẩu gặp khó-quay về thị trường nội địa cũng không dễ

Trong 6 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu (XK) đồ gỗ chỉ đạt 1,3 tỷ USD, giảm 30% so với năm 2008. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam: Nguyên nhân khiến kim ngạch XK mặt hàng này sụt giảm là do ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt tại Hoa Kỳ (nơi chiếm tới 39% tổng kim ngạch XK gỗ của Việt Nam trong năm 2008) đã sụt giảm mạnh do người dân thắt chặt chi tiêu (năm 2008, mức tiêu thụ đồ gỗ của người dân Hoa Kỳ đã giảm khoảng 50% so với năm trước, và từ đầu năm đến nay đã giảm thêm 12,6%). Thêm vào đó, trong khi giá nguyên liệu, vận tải, điện có chiều hướng tăng lên thì lợi nhuận từ XK gỗ cũng đã giảm 10%-15% so với trước.

Không chỉ có vậyhiện doanh nghiệp XK sản phẩm gỗ cũng đang phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật mới do Mỹ và EU dựng lên như Đạo luật Nông nghiệp 2008 (Farm Bill 2008) và Lacey của Mỹ và Hiệp định đối tác tự nguyện của EU (có hiệu lực từ năm 2009)nhằm thắt chặt hơn việc quản lý nguồn gốc sản phẩm gỗ. Ngoài ra, Mỹ và EU còn đòi hỏi các nhà XK phải có chứng nhận FSC (chứng nhận quản lý rừng có trách nhiệm), một tiêu chuẩn khắt khe và không dễ áp dụng đối với thực trạng trồng rừng tại Việt Nam. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam từ trước tới nay vẫn nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Myanmar, Lào, Căm pu chia… thường không có nguồn gốc rõ ràng, không đáp ứng các điều kiện của Mỹ và EU đề ra.

XK đồ gỗ giảm nên hiện hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, XK đồ gỗ đang ở trong tình thế khó khăn, sản xuất thu hẹp. Hiện nay hơn 70% doanh nghiệp gỗ đối diện với nguy cơ thua lỗ, muốn quay lại thị trường trong nước. Nhưng để quay lại không đơn giản, khi phải đối diện với nhiều thách thức. Có như vậy là bởi trong 6 tháng qua, sức tiêu thụ gỗ của thị trường nội địa giảm sút so với trước do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu những mặt hàng không cấp thiết, trong đó có sản phẩm gỗ; Việc thị trường bất động sản đóng băng kéo theo sự giảm sút của các đồ trang trí gỗ nội thất. Bên cạnh đó thị hiếu tiêu dùng của người dân vẫnthích sử dụng sản phẩm gỗ từ rừng tự nhiên, không chuộng sản phẩm làm từ gỗ rừng trồng hay gỗ công nghiệp.

Ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ Trường Thành cho biết:Để chiếm lĩnh thị trường nội địa, doanh nghiệp phải thay đổi hầu hết kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiếp thị, thiết kế, kênh phân phối... Để làm được điều này doanh nghiệp phải mất 3-4 năm.

Tìm thị trường mới tiêu thụ sản phẩm

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: Để tăng cường XK, ngoài việc giữ vững thị trường XK truyền thống như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ thì từ tháng 3 đến nay, doanh nghiệp gỗ trong nước đặc biệt chú ý đến thị trường Nga và Trung Đông và một số thị trường khác như Nauy, Thái Lan, Nam Phi. Tuy nhiên để có thể đưa sản phẩm gỗ thâm nhập vào các thị trường mới này, nhất là thị trường Nga, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này cũng kiến nghị: Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi tiền tệ. nhất là việc chuyển đổi từ đồng rúp sang đồng USD, eurođể việc thâm nhập thị trường Nga thuận lợi hơn. Theo ông Võ Trường Thành, trong tháng 4 và tháng 5, thị trường Mỹ có dấu hiệu hồi phục khi số lượng hàng XK đã tăng 12%. Một số nhà nhập khẩu Mỹ trước đây lấy hàng của Trung Quốc thì nay chuyển sang lấy hàng của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Trần Đức Sinh-Chủ tịch HĐQT Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam: Mặc dù đưa sản phẩm gỗ chiếm lĩnh thị trường nội địa không phải là không có khó khăn nhưng nhìn về lâu dài nhu cầu đồ gỗ, và đồ gỗ cao cấp trong nước đã và đang có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng nhu cầu trang bị cho các căn hộ tại các dự án khu căn hộ cao cấp đang triển khai tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội thì doanh số đã có thể lên tới cả trăm triệu USD.

Tuy nhiên, để làm được điều này, các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ đồ gỗ phải liên kết, xây dựng các chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối hiệu quả cho thị trường nội địa. Đồng thời tập trung xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành chế biến gỗ, khuyến khích trồng rừng (trong nước và liên kết với nước bạn Lào, Campuchia..), bảo vệ và khai thác rừng hợp lý. Hiện tại các doanh nghiệp gỗ đang tập trung vào hai thị trường được xem là tương đối có triển vọng là sản xuất bàn ghế, dụng cụ học tập cho các trường học ở vùng sâu vùng xa và thị trường vùng, nơi có tốc độ đô thị hóa cao và sử dụng nhiều sản phẩm gỗ.



Nguồn: www.ktdt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường