Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Long đong cá tra và cá ba sa
22 | 06 | 2009
Bộ Nông nghiệp Mỹ đang soạn thảo lần cuối các quy định mới theo đó cá tra và ba sa của Việt Nam sẽ có thể được gộp chung vào danh mục cá da trơn, hay còn gọi là catfish. Nếu quyết định này được áp dụng vào tháng 12-2009 như dự kiến thì cá tra và cá ba sa của chúng ta nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ phải chịu những kiểm tra đặc biệt, gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu trong nước.

Rõ ràng số phận của hai loại thủy sản của Việt Nam có ưu thế trên thị trường Mỹ thật long đong, xuất phát từ sự cạnh tranh không lành mạnh và trong sâu xa là chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ.

Ngay khi Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ bắt đầu được thực hiện hồi năm 2001 thì Mỹ đã đưa ra một đạo luật để không công nhận cá da trơn Việt Nam thuộc dòng catfish, tạo điều kiện để ngư dân Mỹ cản trở cá của Việt Nam vào thị trường nước này. Sau đó thì Việt Nam phải sử dụng tên cá tra, cá ba sa cho sản phẩm của mình và cũng đã phải mất rất nhiều công sức và tiền bạc để giải thích cho người tiêu dùng hiểu cá tra, các ba sa chất lượng và giá cả hoàn toàn vượt trội.
Sau khi những mặt hàng này của Việt Nam vào Mỹ tương đối êm xuôi, các doanh nghiệp Mỹ lại kiện cá ba sa của chúng ta bán phá giá, thế là những người nuôi cá lại phải ra sức chứng minh cho các đoàn của Mỹ sang Việt Nam kiểm tra thấy rõ là chúng ta hoàn toàn không bán phá giá.

Như vậy là qua mấy năm liền, trong câu chuyện cá tra và cá ba sa tưởng chừng như yên ổn, mặc dù các công ty Mỹ liên tục sử dụng công cụ pháp lý để gây khó khăn cho sản phẩm cá của Việt Nam, mà cụ thể là áp thuế chống bán phá giá, gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đến năm 2007, ở Mỹ có dư luận cá da trơn Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ đã sử dụng quá nhiều kháng sinh và hóa chất bảo quản. Đó là lý do khiến đạo luật Nông trại năm 2008 của Mỹ ra đời, có sự kiểm tra chặt chẽ đối với cá da trơn.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ lại đang soạn thảo thêm những quy định mới mà theo đó cá tra và cá ba sa của Việt Nam có thể bị gộp vào danh sách cá da trơn, điều mà trước đây chính họ, chứ không phải ai khác, đã đưa ra nhiều luận điểm để chứng minh là cá tra và cá ba sa của Việt Nam không thuộc dòng cá này. Đúng là cách ăn nói tùy tiện của kẻ mạnh.

Mặc dù gặp những khó khăn như vậy, xuất khẩu cá tra và ba sa của Việt Nam vào Mỹ vẫn gia tăng. Thống kê của Hiệp hội Xuất nhập khẩu Thủy sản Việt Nam cho thấy riêng quý I/2009, xuất khẩu cá tra và ba sa sang Mỹ đạt hơn 22 triệu USD, tăng 93,4% so với cùng kỳ năm 2008.

Chắc chắn các nhà làm chính sách của Mỹ đều biết rằng trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, việc đưa được một dòng sản phẩm vào một thị trường nào đó đối với nhà sản xuất là rất gian nan. Họ phải làm sao để chứng minh được sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định của các nước nhập khẩu, rồi phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các nhà nhập khẩu cũng như hệ thống tiêu thụ, và quan trọng nhất là thuyết phục được người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu về chất lượng sản phẩm.

Theo ông Ngô Văn Thoan, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, thì Việt Nam đã nỗ lực làm công tác tiếp thị cho sản phẩm của mình tại thị trường Mỹ, nhờ đó sản phẩm của Việt Nam đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Mỹ. Ông cho rằng việc định nghĩa lại cá tra và ba sa của Việt Nam một lần nữa là không hợp lý.

Ông nói: “Trước hết, theo luật của Mỹ năm 2002, Mỹ kiện các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá, họ không cho Việt Nam mang cá tra và ba sa vào Mỹ dưới tên gọi catfish, các nhà xuất khẩu và nhập khẩu Mỹ phải vất vả lắm mới tiếp thị thành công loại cá đang được người tiêu dùng ưa thích với tên mới là cá tra và ba sa. Nhờ vậy mà từ năm 2002 đến nay thị trường Mỹ tiếp tục chuộng cá tra và ba sa của Việt Nam. Bây giờ họ chuyển cá tra và ba sa từ Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) quản lý và đề nghị đổi lại tên sang catfish, nghĩa là mâu thuẫn với chính họ và không thỏa đáng đối với Việt Nam”.

Nếu cá tra và ba sa Việt Nam được định nghĩa lại là catfish thì có nghĩa nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ phải tốn phí thêm nhiều công sức và tiền bạc để đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo của Mỹ. Điều này sẽ gây khó khăn không chỉ cho những nhà xuất khẩu của Việt Nam mà còn cả những nhà nhập khẩu Mỹ, và cuối cùng là người tiêu dùng Mỹ phải chịu ảnh hưởng.

Việc xuất khẩu cá tra và ba sa đã giải quyết công ăn việc làm cho người dân, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng thị trường Mỹ chỉ chiếm 5%, hiện nay hai mặt hàng thủy sản này được xuất đi Nhật Bản và châu Âu là chủ yếu.

Mới đây, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng đã gửi thư đến 140 nghị sĩ Mỹ đề nghị họ xem lại những quy định trong dự thảo của Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa cá tra và cá ba sa Việt Nam vào danh sách cá da trơn, liệu có cần thiết hay không trong tình hình giao thương hai nước đang ngày càng phát triển.

Theo bà Phạm Chi Lan - chuyên gia nghiên cứu độc lập, người am tường về quan hệ thương mại thế giới - thì vấn đề này chúng ta hoàn toàn có thể thương lượng với Chính phủ Mỹ. Sau khi đã thương lượng rồi mà cũng vẫn khó khăn, và nếu như xét thấy sự thay đổi này gây khó rất lớn cho giới xuất khẩu cá của Việt Nam thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng tư cách thành viên WTO để áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.

Dĩ nhiên, theo bà Chi Lan, điều mong muốn nhất vẫn là qua trao đổi tìm được tiếng nói chung, chứ còn cơ chế giải quyết tranh chấp qua WTO cũng đòi hỏi mất nhiều thời gian lẫn công sức của cả hai bên. Vả lại, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ kể từ khi Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ được thực hiện đến nay đã phát triển tốt đẹp ở nhiều mặt. Đặc biệt phía Việt Nam đã luôn tạo điều kiện cho hàng hóa của Mỹ được tiêu thụ thuận lợi tại Việt Nam mà không hề gây ra bất cứ khó khăn nào.



Nguồn: www.tuoitre.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường