Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
DN mua sữa khất lần, nông dân nuôi bò...mếu
25 | 06 | 2009
Chủ đại lý thức ăn liên tục xiết nợ, trong khi DN thu mua sữa lại nợ tiền bán sữa hơn 3 tháng liền khiến hàng trăm hộ nuôi bò sữa tại xã Dương Hà (Gia Lâm, Hà Nội) lâm vào cảnh điêu đứng.

Bán bò sữa làm bò thịt để trả nợ

Dẫn chúng tôi ra thăm 2 con bò sữa đã gầy xọp đi vì thiếu ăn, ông Phùng Văn Thái (thôn Hạ, xã Dương Hà) mếu máo kể: “Ba con bò sữa là cả gia tài, ấy vậy mà đành phải nhắm mắt bán bớt đi một con để trả nợ cho đại lí thức ăn”. Ông Thái không dám nhìn thẳng vào hai con bò còn lại trong chuồng, bởi theo ông, ba con bò sữa không chỉ nuôi 5 miệng ăn mà còn thân thiết như những thành viên trong gia đình.

Đau một nỗi, bò đang kỳ sung sức, nếu gặp khách mua theo giá bò sữa giống bét nhất cũng được 20 triệu. Thế mà phải bán cho cánh lò mổ, lại còn bị o ép chỉ chưa đầy chục triệu bạc thấp hơn cả giá bò thịt. “Ngày nào cũng nghe mấy chủ đại lý thức ăn tới réo. Thôi thì đắt rẻ gì cũng đành cho mấy ông lò mổ khiêng đi giết thịt khẩn cấp. Chứ chả nhẽ lại bày ra giữa nhà mà thịt bò đi, 2 con bò còn lại nhìn thấy bạn nó bị thịt chẳng lăn ra ốm ấy chứ. Cái giống bò sữa nó khôn đáo để” - khóe mắt ông Thái đỏ hoe chua xót kể về con bò xấu số.

Cùng cảnh ngộ như hộ ông Thái, vợ chồng ông Phạm Văn Hanh, bà Lê Thị Nhinh (thôn Hạ, xã Dương Hà) có bốn con bò sữa, tháng trước cũng đành dứt lòng bán bớt đi một con để trả nợ lãi ngân hàng và nợ chủ đại lý thức ăn. Ông Hanh cho biết, hiện tại chủ xe bồn thu gom sữa vẫn đang nợ gia đình ông số tiền sữa hơn 10 triệu đồng – tương đương gần 3 tấn sữa tươi mà gia đình ông đã bán trong vòng hơn 3 tháng. Để có lượng sữa này, ông phải mua chịu toàn bộ thức ăn của các chủ đại lý TĂCN trong vùng và vay lãi ngân hàng từ năm 2008 để đầu tư cho 4 con bò sữa.

Theo phản ánh của các hộ nuôi bò sữa, chúng tôi đã tìm gặp chủ thu gom sữa của xã Dương Hà là ông Nguyễn Đức Dư (trú thôn Hạ) và được ông Dư giải thích việc phải nợ tiền sữa của các hộ chăn nuôi như sau: Tháng 11/2008, xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ sữa cho các hộ chăn nuôi ông Dư đã đầu tư xe bồn bảo ôn thu mua sữa tươi cho hơn 70 hộ chăn nuôi trong xã, sau đó bán lại cho Cty CP Nguyễn Hồng II (đóng tại xã Tân Quang- Văn Lâm- Hưng Yên).

Theo hợp đồng giữa ông Dư và Cty Nguyễn Hồng II thì mỗi tháng, ông Dư phải thu gom ít nhất 15 tấn sữa tươi đảm bảo yêu cầu chất lượng cho Cty. Cũng theo hợp đồng này, Cty Nguyễn Hồng II thỏa thuận cứ 10 ngày sẽ trả tiền sữa cho các hộ chăn nuôi thông qua ông Dư. Ban đầu, Cty Nguyễn Hồng II thanh toán tiền sữa cho nông dân khá đầy đủ, nhưng chỉ sau 4 – 5 chuyến, họ bắt đầu khất nợ với lí do “hàng bị tồn đọng do không tiêu thụ được”.

Tình trạng khất nợ đã kéo dài 3 tháng liên tiếp khiến nông dân không có tiền trả cho các đại lý thức ăn. Tới cuối tháng 2/2009, Cty này tuyên bố ngừng nhập sữa của nông dân xã Dương Hà. Ông Nguyễn Đức Dư thừa nhận: Cty Nguyễn Hồng II không có thông báo ngừng nhập sữa trước 20 ngày theo thỏa thuận khiến tình trạng sữa tươi ứ đọng kéo dài trước khi ông tìm được đại lí tiêu thụ mới. Kể từ đó đến nay, mặc dù Hợp đồng cung cấp sữa giữa Cty Nguyễn Hồng II và ông Dư vẫn còn hiệu lực, nhưng Cty này vẫn không có thông báo là bao giờ sẽ nhập lại sữa cho nông dân Dương Hà.

Hiện tại, Cty Nguyễn Hồng II nợ hơn 70 hộ dân nuôi bò sữa xã Dương Hà với số tiền hơn 340 triệu đồng. Sau nhiều lần khất nợ miệng nhưng không đúng hẹn, đến ngày 28/3/2009, nhiều nông dân xã Dương Hà cùng chủ “xe bồn” Nguyễn Đức Dư đã buộc Cty Nguyễn Hồng II làm biên bản hẹn trả nợ.

Theo đó, TGĐ Cty Nguyễn Hồng II Vũ Quang Trung đã ký hẹn đến ngày 10/5/2009, Cty này sẽ “hoàn trả toàn bộ tiền nợ và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sai hẹn”. Đến nay đã hơn 1 tháng sau ngày hết hạn trả nợ, nhưng Cty vẫn không đả động gì.

Bà Lê Thị Nhinh (hộ nuôi bò sữa thôn Hạ) bức xúc: Nói lí thì chúng tôi cứ “túm tóc” chú Dư mà xiết nợ. Nhưng dẫu sao chú ấy cũng là hàng xóm láng giềng, nghe chú ấy bảo phía Cty họ nợ nên phải khất bà con. Chả nhẽ mình lại tới mà khênh cơ nghiệp nhà chú ấy đi? Tóm lại thì chỉ có bọn tôi là khổ. Chủ đại lý thức ăn họ đòi, mình không “vay nóng vay nguội” được mà trả họ thì chỉ có nước bán bò đi mà trả nợ chứ còn biết làm thế nào.

Giải thích về việc để nợ kéo dài với nông dân xã Dương Hà, ông Vũ Quang Trung – TGĐ Cty CP Nguyễn Hồng II (trụ sở tại đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên- Hà Nội) cho biết, hầu hết lượng sữa nhập từ xã Dương Hà về được chế biến làm phomát. Tuy nhiên từ cuối năm 2008 đến nay, sản phẩm này liên tục bị ế. Hiện Cty đang tồn kho số lượng lớn phomát chưa tiêu thụ được. Vì vậy Cty buộc phải nợ tiền và ngừng nhập sữa của nông dân Dương Hà.

Khi chúng tôi đặt vấn đề số tiền nợ gần 350 triệu với Cty có thể không quá lớn, nhưng với nông dân Dương Hà thì là một vấn đề, ông Vũ Quang Trung đã thừa nhận: “Chúng tôi biết làm vậy là gây khó khăn rất nhiều cho nông dân, nhưng thực sự thì hiện tại chúng tôi không có tiền trả nợ. Cty sẽ cố gắng tiêu thụ hết phomát tồn đọng để trả nợ cho nông dân trong một vài tháng tới” – ông Trung nói. Cũng theo vị TGĐ này tiết lộ thì hiện tại, Cty đang “bận” bỏ vốn đầu tư vào rất nhiều dự án bất động sản, vẫn chưa thu hồi được nên không có trả cho nông dân.



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường