Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hỗ trợ lãi suất mua máy nông nghiệp: Thủ tục rối, nông dân... chê
01 | 07 | 2009
Nông dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi do nhiều quy định không phù hợp thực tế gây khó khăn cho cả người đi vay, người cho vay và người xác nhận

Việc giải ngân các khoản vay hỗ trợ lãi suất cho người dân khu vực nông thôn mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở theo Quyết định 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ kéo dài từ ngày 1-5 đến 31-12 -2009. Sau gần 2 tháng triển khai, vì nhiều lý do, đến nay nông dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này.


Nông dân bị làm khó, DN không mặn


Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thiện, nông dân ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, bức xúc: “Nghe nói Nhà nước cho nông dân vay vốn bù lãi suất để mua máy móc, vật tư sản xuất nông nghiệp, tôi mang hồ sơ lên ngân hàng (NH) định vay tiền để mua máy gặt lúa và phân bón.

Nào ngờ, điều kiện vay vốn quá khó, tôi đành ôm hồ sơ ra về”. Theo anh Thiện, NH đòi hỏi anh phải có tài sản thế chấp và phải lập kế hoạch hoặc phương án sử dụng máy gặt lúa, phân bón. Là nông dân, ngại đụng chạm giấy tờ và không quen với việc lập kế hoạch, dự án nên anh Thiện đành rút lại ý định vay vốn.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có khá nhiều rào cản khiến nông dân không thể tiếp cận nguồn vốn này. Nhiều nông dân “từ chối” vay vốn hỗ trợ lãi suất vì tính ra, nếu vay vốn, họ phải làm thủ tục nhiêu khê nhưng số tiền vay được cũng rất hạn chế.

Để được vay vốn, ngoài tài sản thế chấp, lập kế hoạch sử dụng máy móc, vật tư, nông dân phải mua hàng tại các điểm bán hàng cố định (theo danh sách doanh nghiệp (DN) bán hàng đăng ký) và có hóa đơn đỏ. Đối với những trường hợp mua máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp và máy vi tính, nông dân được hỗ trợ 100% lãi suất; còn đối với các sản phẩm vật tư nông nghiệp, người vay chỉ được hỗ trợ 4% lãi suất và số tiền được vay tối đa chỉ 7 triệu đồng/ha...


Những thiết bị cơ giới như máy kéo, máy gặt luôn là niềm mơ ước của nhiều nông dân ĐBSCL. Ảnh: N.TRINH


Về phía các DN bán hàng, theo văn bản 4116/BTC – TTTN hướng dẫn thực hiện quyết định 497/QĐ – TTg, các DN sản xuất kinh doanh có hàng hóa sản xuất trong nước thuộc danh mục được hỗ trợ lãi suất phải đăng ký với Sở Công Thương mặt hàng, địa điểm bán hàng. Đồng thời, các DN này phải thông báo công khai nội dung đăng ký kèm theo niêm yết giá bán tại các nơi bán hàng...

Tuy nhiên đến nay, số DN thực hiện đăng ký với Sở Công Thương các tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại TPHCM, chưa có DN nào đăng ký. Tại Long An, chỉ mới có 1 DN đăng ký. Sở Công Thương TP Cần Thơ cũng chỉ mới nhận được đăng ký của 1 DN...


Đại diện Sở Công Thương một số tỉnh cho rằng nguyên nhân chính là do các DN nhận thấy thủ tục phức tạp, nông dân khó tiếp cận vốn và bản thân DN chưa thấy được hưởng lợi gì từ chương trình này nên không mặn tham gia...


Tháo gỡ từ thủ tục


Chính vì những vướng mắc kể trên và sự chậm trễ trong việc hướng dẫn tháo gỡ từ các bộ, ngành, Trung ương nên sau 2 tháng triển khai, chương trình vẫn chưa thu hút được người dân tham gia. Hầu như đến nay các NH tại TPHCM chưa giải ngân cho trường hợp nào vay vốn mua máy móc, thiết bị vật tư nông nghiệp. Các NH tại Cần Thơ chỉ giải ngân cho 3 trường hợp, nhưng là vay vốn để mua vật tư xây dựng nhà...


Hiện Sở Công Thương các tỉnh đang tập hợp ý kiến của nông dân để kiến nghị giải pháp tháo gỡ. Sở Công Thương TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho nông dân có nhu cầu vay vốn.

Theo ông La Văn Bé, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, thủ tục rối rắm là trở ngại lớn khiến nông dân ngại vay vốn. Việc lập dự án, kế hoạch sử dụng máy móc, thiết bị... vượt quá khả năng của họ. 


Một cán bộ Sở Công Thương TPHCM cũng cho rằng về thủ tục vay vốn, thay vì yêu cầu người dân phải “lập kế hoạch hoặc phương án sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư để sản xuất; sử dụng vật liệu xây dựng để làm nhà ở”, Nhà nước nên ban hành mẫu thống nhất để người dân điền các thông tin và nhu cầu vay vốn của mình vào đó, vừa nhanh gọn vừa đỡ phiền hà. Quy định người dân phải mua hàng đúng những nơi DN có đăng ký bán hàng, có hóa đơn đỏ mới được hỗ trợ lãi suất là không cần thiết, chỉ cần người dân cung cấp hóa đơn đỏ của nơi bán hàng là đủ.

Hệ thống HTX mới vay được 200 tỉ đồng

Tại cuộc họp báo giới thiệu Hội chợ Quốc tế HTX 2009 ngày 30-6, ông Nguyễn Xuân Hiên, Phó Chủ tịch Liên minh HTX VN, cho biết hiện cả nước có khoảng 18.294 HTX, Liên hiệp HTX và trên 360.000 tổ hợp tác với khoảng 14,5 triệu lao động. Tuy nhiên đến nay, đối tượng này vẫn chưa được hỗ trợ nhiều từ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất. Cụ thể, tính đến giữa tháng 6- 2009 các đối tượng HTX chỉ mới vay được khoảng 200 tỉ đồng (chiếm 0,19% trên tổng mức dư nợ hỗ trợ lãi suất). Nguyên nhân là do các HTX không có tài sản để thế chấp ngân hàng, không trình được phương án kinh doanh, sản xuất thuyết phục; sổ sách chế độ tài chính chưa theo chuẩn mực... Các ngân hàng cũng không mặn mà cho các đối tượng HTX vay vì vốn vay không lớn, nguy cơ rủi ro cao.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường