Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thủy sản khổ vì rào cản
01 | 07 | 2009
Những thông tin sai lệch làm ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng các nước nhập khẩu, liên đới ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam

Giá thức ăn tăng cao, trong khi giá cá lại giảm mạnh, người nông dân nuôi cá lại khó tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất. Thêm vào đó, áp lực từ chính sách bảo hộ thương mại của các thị trường nhập khẩu khiến con cá tra, cá basa Việt Nam đang bị vây tứ phía.

Khổ vì bảo hộ thương mại

Ngày càng nhiều thị trường tiêu thụ cá tra của Việt Nam như Pháp, Tây Ban Nha, Nauy, Mỹ… sử dụng các chương trình truyền thông làm giảm uy tín chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam. Dù là tin hỏa mù thiếu cơ sở và con cá tra đã được xác nhận về chất lượng, nhưng ít nhiều những thông tin sai lệch này cũng ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng các nước nhập khẩu, liên đới ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Chưa kể, mối lo bị kiện chống bán phá giá luôn treo lơ lửng trên đầu các DN xuất khẩu cá tra, cá basa Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đa số các DN làm ăn chân chính, nỗ lực có được tấm giấy thông hành chứng nhận về chất lượng xuất xứ để vào các thị trường khó tính như Châu Âu. Nhưng “con sâu làm rầu nồi canh”, không ít những DN kinh doanh theo kiểu chộp giật, gian dối như trộn cá phi lê kém phẩm chất để làm hàng xuất khẩu, cá bị bơm nước làm tăng trọng lượng, thu mua cá phế phẩm, cá chết để làm phi lê xuất khẩu với giá rẻ… đang làm ảnh hưởng tới uy tín của các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Sự cạnh tranh không lành mạnh ngay giữa các công ty trong nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Đặc biệt, việc giảm giá bán các mặt hàng thủy sản khiến nguy cơ thủy sản Việt Nam bị kiện chống bán phá giá tại thị trường EU và nhiều thị trường khác rất cao.

Khó khăn nội tại

Theo VASEP, giá thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản thời gian qua tăng đột biến, mà nguyên nhân sâu xa do nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn trong nước phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới.

Giá thức ăn tăng cao trong khi giá cá tra, cá basa nguyên liệu và thành phẩm lại có xu hướng giảm, như giá cá tra chào bán vào thị trường EU trung bình chỉ 2,47 USD/kg (giá trước đây là 2,63 USD/kg, thậm chí có thời điểm lên 3 USD/kg). Giá cá tra, cá basa nguyên liệu từ tháng 2/2009 đến tháng 5/2009 đạt mức 16.000-17.000 đồng/kg, nhưng thời gian gần đây chỉ còn 13.500-14.000 đồng/kg. Nếu tính toán các chi phí người nông dân phải bỏ ra theo mức giá cả hiện nay thì họ đang phải chịu lỗ 1.000 đồng/kg. Thêm vào đó, phần lớn hộ nuôi cá tra khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất, nên không có gì khó hiểu khi người nông dân ở nhiều vựa cá đã buộc phải treo ao.

Riêng với tôm, diện tích nuôi tôm giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh bùng phát khắp nơi và thời tiết bất lợi khiến người nông dân không dám thả con giống. Giá tôm chân thẻ trắng từ 60.000 đồng/kg loại 100 con/kg đã rớt xuống chỉ còn 40.000 đồng/kg. Nếu giá tiếp tục giảm, câu chuyện với con cá tra có nguy cơ lặp lại với tôm khi người nuôi lỗ và buộc phải ngưng nuôi. Với việc cả hai mặt hàng nguyên liệu sụt giảm, nguy cơ thiếu nguyên liệu thủy sản cho chế biến xuất khẩu thời gian tới là khó tránh khỏi.

Được biết, các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu vẫn đang hoạt động cầm chừng chỉ với 30-40% công suất thiết kế do thiếu nguyên liệu. Nghịch lý ở chỗ, giá nguyên liệu đang xuống thấp nhưng các nhà máy không đủ khả năng mua nguyên liệu. Hơn nữa, do các đơn đặt hàng giảm sút, nhiều nhà máy chỉ sử dụng nguyên liệu còn tồn trong kho để chế biến.

Tín hiệu lạc quan đáng kể là kim ngạch xuất khẩu cá tra, cá basa sang các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của thế giới như EU, Mỹ vẫn tăng trưởng trong hai tháng gần đây. Cụ thể trong tháng 5, thị trường Mỹ tăng tới 77,6%. Nga cũng là thị trường rất có tiềm năng với thủy sản trong thời gian tới, khi nhu cầu nhập khẩu tại nước này ngày càng tăng.

Mặc “áo giáp” cho con cá tra

Rõ ràng, để đảm bảo nguồn cung đều đặn và có chất lượng cho thủy sản Việt Nam, cần đẩy mạnh việc thực hiện hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi cho người nông dân, như nới lỏng các điều kiện vay vốn; Đồng thời khuyến khích các mô hình DN tự chủ nguồn cung nguyên liệu, thành lập các vùng chuyên canh nuôi trồng thủy hải sản. Phải có chính sách bình ổn giá với các loại thức ăn chăn nuôi trong nước, tiến tới thay thế một phần nhu cầu nhập khẩu ngô bằng các loại ngô trong nước.

Tránh tình trạng chất lượng kém, giải pháp kiểm tra chất lượng các mặt hàng xuất khẩu của DN ngay từ đầm nuôi, khâu sản xuất và thu mua là cần thiết. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần ngăn chặn tình trạng bơm tạp chất vào thủy sản, không để điều này thành tiền lệ xấu. Ngoài ra, cần cấp mã số vùng nuôi cho thủy sản để tạo điều kiện cho DN thâm nhập sâu vào thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất là EU. Nhưng từ phía DN, không thể mãi tự làm khó mình với kiểu làm ăn chộp giật, mà cần kinh doanh lành mạnh mới giữ chân được khách hàng và duy trì sản xuất, nhất là trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với mặt hàng tương tự của các nước xuất khẩu khác.



Nguồn: vovnews.vn
Báo cáo phân tích thị trường