Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đăng ký xuất khẩu dưa hấu - chuyện không đơn giản
02 | 07 | 2009
Dưa hấu chuyển đi Trung Quốc rất khó khăn về việc đóng bao bì nhãn mác vì dưa không thể tập trung một địa điểm. Bên cạnh đó, bao bì cũng làm tăng giá thành sản phẩm

Theo thỏa thuận giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam với Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/7/2009, 5 mặt hàng trái cây của Việt Nam là: vải, nhãn, thanh long, chuối và dưa hấu nhập khẩu vào Trung Quốc phải dán nhãn mác, xuất xứ. Đây là điều không dễ thực hiện, nhất là đối với dưa hấu, nông sản vốn chỉ được trồng theo hộ gia đình.

Quảng Ngãi là một trong những tỉnh ở miền Trung phát triển mạnh nghề trồng dưa hấu. Riêng ở huyện Bình Sơn, dưa hấu là lọai cây trồng chủ lực và đã sớm tìm được chỗ đứng ổn định tại thị trường Trung Quốc. Hàng chục năm nay, nông dân ở tỉnh Quảng Ngãi đã chuyển nhiều diện tích đất hoa màu kém hiệu quả sang trồng dưa hấu. Có năm diện tích dưa hấu lên tới 7.000 ha, trở thành loại cây mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Tuy nhiên, giàu cũng nhờ trồng dưa, nhưng nghèo cũng vì dưa, bởi một lẽ sản xuất và tiêu thụ chưa thật sự ổn định. Có năm trồng ít thì dưa được giá, bán chạy. Nhưng khi người dân ồ ạt trồng dưa thì chỉ bán được vài chuyến hàng đầu vụ, còn lại sau đó dưa phải nằm cả tuần ở cửa khẩu, hàng trăm tấn dưa đành đổ đi vì không xuất khẩu được.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tiêu thụ dưa hấu sang Trung Quốc gặp khó khăn. Trước hết là các qui định về quản lý chất lượng sản phẩm ngày càng chặt chẽ, như hàng phải đóng thùng, đóng hộp, có nhãn mác, nêu rõ xuất xứ hàng hoá… Ông Cao Hùng Vương, người dân xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã hơn 15 năm trồng và buôn bán dưa hấu sang Trung Quốc cho biết: “Dưa hấu chuyển đi Trung Quốc rất khó khăn về việc đóng bao bì nhãn mác vì dưa không thể tập trung một địa điểm. Bên cạnh đó, bao bì cũng làm tăng giá thành sản phẩm”.

Việc qui định xuất xứ dưa hấu là rất khó thực hiện với người nông dân. Đối với người buôn dưa thì phải mua gom, mà đã mua gom thì làm sao có thể đóng thùng được. Trong khi đó đóng thùng đối với dưa lại rất cồng kềnh và tăng tiền cước vận chuyển, người buôn dưa sẽ không có lời. Năm 2008, chi phí vận chuyển 1 tấn dưa đến cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc từ 700.000 – 800.000 đồng, bây giờ đã lên đến 1,2 triệu đồng/một tấn. Không đóng thùng một xe có thể chở đến 20 tấn dưa, nhưng nếu đóng thùng thì chỉ chở hơn 10 tấn.

Bà Nguyễn Thị Tri ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn chuyên buôn dưa hấu sang Trung Quốc cho rằng: Lâu nay, người buôn dưa ở Quảng Ngãi lót rơm rạ vào dưa chở đi là tiện lợi  nhất. Việc làm này nhanh gọn, số lượng dưa chở trên mỗi chuyến xe được nhiều, chứ đóng thùng chắc là không thể thực hiện được ngay. Nếu buộc phải đóng thùng thì Nhà nước hoặc các ngành chức năng nên giúp đỡ bà con mới làm được. Trong khi đó, chính quyền và ngành chức năng vẫn còn nhiều lúng túng, chưa có giải pháp hỗ trợ người nông dân.

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Quảng Ngãi là đơn vị trực tiếp lập thủ tục đăng ký với Cục Trồng trọt- Bộ NN&PTNT về tiêu thụ dưa hấu. Ông  Phạm Ngọc Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết việc làm này quá mới đối với Chi cục, việc lập danh sách đăng ký ở các địa phương rất lúng túng. Chi cục đã lập danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu mua dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng mới chỉ có khoảng 40 hộ với diện tích 900 ha đăng ký với Cục Trồng trọt. Đây là con số quá khiêm tốn so với thực tế, ở Quảng Ngãi có đến hàng nghìn hộ trồng dưa hàng năm.

Ông Phạm Ngọc Thu thừa nhận lâu nay không ai quản lý danh sách người trồng dưa, kể cả những người thu mua và vận chuyển dưa sang Trung Quốc. Vì vậy, việc lập danh sách phải đi từ huyện xuống xã, thôn, rồi đến từng hộ nên chậm trễ là đương nhiên. Ông Phạm Ngọc Thu, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Qua khảo sát thì loại hình trồng dưa hấu là kinh tế hộ. Đã là kinh tế hộ thì đầu mơi cơ sở trồng trọt rất nhiều, sản lượng nhỏ lẻ. Vì vậy để quản lý được rất là khó khăn. Hai nếu như thực hiện qui định mẫu mã bao bì thì chi phí đầu vào tiểu thương tăng lên và sẽ có tình trạng tiểu thương ép giá nông dân”.

Thực tế ở Quảng Ngãi không có trang trại trồng dưa hấu, mà chỉ có trồng dưa phân tán theo từng hộ, sản phẩm thu mua rải rác nên việc đóng gói là không dễ dàng gì. Cho nên, quản lý trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc theo yêu cầu Bộ NN&PTNT đưa ra quả là điều khó khăn. Ông Phạm Ngọc Thu đề xuất: “Chỉ đăng ký vùng trồng dưa là phù hợp nhất. Còn việc quản lý chất lượng vùng trồng dưa sẽ do cơ quan chức năng và chính quyền địa phương giám sát. Việc dán nhãn mác bao bì cũng cần phải xem xét sao cho không đội giá thành của người trồng trọt”.

Có một thực tế là, việc đăng ký sản phẩm dưa hấu của nông dân tỉnh Quảng Ngãi khi xuất bán sang Trung Quốc là việc khó khăn của người trồng dưa lẫn những người buôn dưa và cho cả cơ quan quản lý. Để người trồng dưa hấu ở tỉnh Quảng Ngãi yên tâm sản xuất, địa phương và các ngành chức năng cần có biện pháp cụ thể hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn hiện nay.



Nguồn: vovnews.vn
Báo cáo phân tích thị trường